Bến Tre: Khai thác thủy sản theo hướng an toàn
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là những giải pháp quan trọng để Bến Tre phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong, ngoài nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre sẽ khai thác có hiệu quả vùng nuôi theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời có chú ý đến các khả năng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sâu và kéo dài, đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; xây dựng và nhân rộng mô hình nông ngư kết hợp trên đất lúa kém hiệu quả, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; áp dụng công nghệ cao và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; nhân rộng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre đang nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh |
Bến Tre sẽ xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn theo hướng liên kết, thí điểm và nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên và tập trung triển khai thực hiện các dự án về giống, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản 3 huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội, để tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp Bến Tre đã từng bước xây dựng và hướng nghề nuôi thủy sản phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tăng năng suất, chất lượng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2020, tỉnh Bến Tre ổn định diện tích nuôi thủy sản 46.000-47.000ha, trong đó nuôi thâm canh 8.000-10.000ha, sản lượng đạt 250.000-300.000 tấn, gồm các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, nghêu, cá tra và tôm càng xanh.
Cùng với thực hiện quy hoạch, chuyển đổi nuôi trồng và khai thác cho phù hợp hơn, Bến Tre hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, kết hợp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu đảm bảo nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng...
Tỉnh Bến Tre hiện có 11 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh, chả cá, công suất đạt 72.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó sản phẩm cá tra fillet, nghêu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, hiện Bến Tre đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển.
Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre tăng nhanh. Các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh này là tôm biển, cá tra, nghêu, sò đều phát triển khá mạnh. Điểm nổi bật của nghề nuôi thủy sản Bến Tre hiện nay là, các hộ nuôi và doanh nghiệp ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất, đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC, MSC… để xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích thả giống nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre đạt 45.550ha, đạt hơn 97% kế hoạch năm. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 233.247 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 91% kế hoạch năm. |
Công Trí