Trái cây ngoại tấn công thị trường nội
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu rau quả 9 tháng năm 2017 đạt 1,15 tỉ USD, tăng 78,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nhập khẩu trái cây tới 809 triệu USD, tăng hơn hai lần.
Tràn lan trái cây ngoại
Thời gian gần đây, tại TP HCM, các cửa hàng trái cây ngoại “mọc lên như nấm sau mưa”, trang trí khá bắt mắt trên các tuyến đường: An Dương Vương (quận 5), Lê Thánh Tôn (quận 1), Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), Tô Hiến Thành (quận 10)… Tại các chợ truyền thống như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), An Đông (quận 5), chợ Vườn Chuối (quận 3)… cũng nhan nhản trái cây ngoại.
Bước vào một cửa hàng kinh doanh trái cây, người tiêu dùng không khỏi choáng ngợp với sự phong phú, đa dạng về mặt hàng, xuất xứ. Ngoài các loại trái cây nội như: bòn bon, măng cụt, nhãn, chôm chôm, sầu riêng... trái cây ngoại cũng nổi bật với táo, lê, kiwi… Thực tế, trái cây trong nước ngon, rẻ, tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng muốn thưởng thức hương vị lạ của trái cây nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng, trái cây ngoại an toàn, mặc dù giá cả cao hơn nhiều trái cây nội.
Trái cây ngoại giá cao nhưng vẫn thu hút khách hàng |
Chủ một cửa hàng trái cây trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho hay: “Trái cây ngoại bán rất chạy. Khách hàng giờ đây mua giỏ trái cây thì trái cây ngoại chiếm tới 40-50%. Trái cây ngoại vừa làm phong phú phần quà, vừa thể hiện sự sang trọng vì tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng”.
Thời gian gần đây, cam Trung Quốc, mãng cầu Đài Loan cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường trái cây Việt. Hiện nay, ngoài xoài cát Hòa Lộc vẫn giữ được giá trị kinh tế cao, người tiêu dùng cũng ưa chuộng các giống xoài khác như xoài mủ, xoài cát Chu… Nhưng vài năm trở lại đây, xoài Campuchia (xoài keo) đang dần chiếm lĩnh thị trường. Thời gian đầu, xoài keo chỉ đưa vào bán trên thị trường loại quả sống, hiện xoài keo chín đã xuất hiện nhiều khi vụ xoài trong nước chưa vào thời điểm thu hoạch.
Đặc biệt trên thị trường, nhiều loại trái cây ngoại nhập có giá rất cạnh tranh so với trái cây trong nước. Điển hình, táo Yoya Pháp giá khoảng 44.000 đồng/kg; kiwi xanh New Zealand 90.000 đồng/kg, kiwi vàng 140.000 đồng/kg; táo Gala Mỹ 59.900 đồng/kg; lê Forelle Nam Phi 76.000 đồng/kg…
Cạnh tranh về chất lượng
Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, lượng trái cây ngoại nhập về Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2017 là Thái Lan (chiếm tới 60,7% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 15,7%). Trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp hơn 2,8 lần), tiếp đến là Ấn Độ (gấp hơn 2,2 lần) và Hàn Quốc (tăng 70,8%). Ghi nhận từ thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam đang nhập khẩu trái cây từ nhiều nước, song Thái Lan đang là nhà cung cấp lớn nhất với các sản phẩm bòn bon, măng cụt, nhãn, mít...
Rau quả Thái Lan đang chiếm tỷ lệ nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam |
Trong 8 tháng năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, Thái Lan tăng gấp hơn 2,8 lần, Ấn Độ tăng gấp hơn 2,2 lần, Hàn Quốc tăng 70,8%... |
Giải thích nguyên nhân trái cây ngoại tràn lan trên thị trường cạnh tranh cả về giá và chất lượng, TS Đào Quốc Trụ (Cục Bảo vệ thực vật) khẳng định, việc thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều là 0% cho các loại trái cây và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa đã làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả vào Việt Nam. Riêng nhập khẩu trái cây từ Thái Lan ngày càng tăng mạnh, số lượng tăng hơn so với nhiều năm trước do Việt Nam tạm nhập sau đó tái xuất sang Trung Quốc (chiếm trên 90%, còn khoảng 10 được tiêu thụ trong nước).
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng tạo điều kiện trái cây ngoại chiếm lĩnh thị trường nội là do nhu cầu tiêu thụ trái cây của người tiêu dùng trong nước khá lớn, nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng được về sản lượng cũng như chủng loại. Bên cạnh đó, cách làm “ăn xổi” vô tình giết chết hình ảnh và thương hiệu trái cây nội trong mắt người tiêu dùng trong nước. Chẳng hạn như hành động ngâm rửa các loại trái sau thu hoạch với chất tạo chín nhanh tạo nên nỗi lo sợ không an toàn cho người tiêu dùng...
Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần quy hoạch lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây ở các địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh của trái cây nội trên thị trường, đồng thời tuyên truyền ý thức sản xuất và kinh doanh sản phẩm an toàn. Muốn đứng vững trên sân nhà, hoa quả tươi Việt Nam phải nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hiện nay, ngoài những mặt hàng trái cây ngoại nhập bình thường, thị trường nội tiếp tục bị tấn công bởi các loại trái cây ngoại cao cấp. Đơn cử, thanh long vàng xuất xứ từ Malaysia có giá lên tới 600.000-700.000 đồng/kg; chà là Ai Cập 550.000 đồng/kg; mãng cầu Đài Loan gần 400.000 đồng/kg; dâu Hàn Quốc dao động 250.000-350.000 đồng/kg; cherry vàng Canada 700.000 đồng/kg; dưa Melon Tây Ban Nha 300.000 đồng/kg… Ngoài các loại trái cây bốn mùa, trái cây ngoại nhập theo mùa vụ cũng được thị trường “săn lùng”. Trái cây ngoại có giá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn vì lạ mắt, lạ vị, đặc biệt là tin tưởng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. |
Thanh Hồ