Tuyến đường ven biển miền Trung
Phá thế cô lập về kinh tế
9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung vừa đề xuất kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư tuyến đường ven biển xuyên suốt miền Trung với kỳ vọng lớn: Phá thế cô lập các tỉnh ven biển và liên kết phát triển kinh tế mang tính quy mô lớn.
Tạo thành “mặt tiền” đất nước
Theo Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa - ông Lê Thanh Quang - Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung thì hiện tại, các địa phương vùng duyên hải có sự phát triển, tăng trưởng trên các mặt kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, tốc độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh không đồng đều, thu nhập bình quân đầu người chưa bằng bình quân cả nước, việc liên kết còn rời rạc, thiếu các chính sách động lực, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, của cả vùng duyên hải.
Chính vì vậy, TS Trần Du Lịch (thành viên Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung) cho biết, điều cần nhất trong tình thế hiện nay của vùng là giải pháp xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt vùng duyên hải với những cơ chế đặc biệt về thuế đất, khai thác "quỹ đất", "vốn mồi" (vốn ban đầu từ Trung ương để khởi động dự án - NV) được các địa phương đồng thuận.
“Đây là giải pháp mang tính động lực, hình thành tuyến đường chiến lược, mang cả ý nghĩa kinh tế, quốc phòng, hình thành "mặt tiền" của đất nước, kéo theo sự phát triển các khu đô thị, khu du lịch ven biển” - TS Trần Du Lịch nói.
Cung đường 1.000km sẽ liên kết vùng Duyên hải miền Trung, tạo sức bật lớn về phát triển kinh tế |
Trong khi đó, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đề xuất cần có sự liên kết trong kinh tế vùng miền trong cả kế hoạch trung và dài hạn. “Kết nối cả khu vực quan trọng nhất là thể chế đặc thù phát triển trên các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế, đặc biệt chú trọng vùng nước trên biển và hải đảo” - ông Chữ cho biết thêm.
Theo dự kiến ban đầu, nếu được Chính phủ chấp thuận, 9 tỉnh Duyên hải miền Trung sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng toàn tuyến đường ven biển dài 1.000km. Hiện các địa phương Thừa thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... đã và đang xây dựng, kết nối; còn khoảng 500km đường ven biển trên địa bàn chưa được đầu tư, kết nối liên hoàn.
Cấp bách và thiết thực
Theo lãnh đạo các tỉnh miền Trung có mặt trong cuộc họp thường niên của vùng mới đây, vùng kiên định mục tiêu phát triển trở thành khu vực trọng điểm trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Trong 10 giải pháp phát triển vùng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Điều phối vùng tập trung chủ yếu vào các giải pháp liên kết cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải, logistics biển... mà cung đường liên kết 1.000km là kiến nghị mang tính cấp bách.
Về đề xuất ưu tiên đầu tư trục đường ven biển xuyên suốt miền Trung, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đánh giá: Tuyến đường ven biển rất thiết thực, nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông biển đồng bộ từ cơ chế chính sách, đến vận hành, lưu thông.
“Với đặc thù hơn 1.000km chiều dài bờ biển, vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng lớn trong việc phát triển hạ tầng, vận tải ven biển. Từ năm 2015-2016, Bộ GTVT tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, công bố luồng tuyến, thủ tục ra vào các cảng, vận tải ven biển, qua đó kích cầu vận tải biển từ Quảng Ninh đến Đồng bằng sông Cửu Long” - Thứ trưởng Thọ nói.
Đồng tình với Thứ trưởng Thọ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc ưu tiên đầu tư đường ven biển là hết sức thiết thực trong bối cảnh hiện tại và tầm nhìn nhiều năm sau. “Tuyến đường này sẽ kết nối các đô thị biển động lực, các điểm kinh tế chiến lược để tạo điểm nhấn đánh thức tiềm năng biển tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng” - ông Thơ khẳng định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc xây dựng tuyến đường trên cần phải đồng thời thí điểm xây dựng các trung tâm Logistics, hậu cần cảng biển: “Yêu cầu đặt ra phải kết nối đồng bộ các loại hình giao thông, phương thức cảng biển thì mới phát huy được thế mạnh liên kết toàn vùng”.
Được biết, đường bộ tại vùng đang được các tỉnh miền Trung chú trọng đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt khu vực Đà Nẵng đã hình thành các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan, mở rộng Quốc lộ 1, hầm Hải Vân (giai đoạn 2); phát triển hạ tầng hàng không, đường sắt…
An An