Cách mạng Tháng Mười Nga - một mốc son của nhân loại
"Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười sẽ được xã hội Nga chấp nhận như một biểu tượng của nỗ lực chiến thắng mọi âm mưu chia rẽ đất nước, xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nước Nga” - Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng xã hội và nhân quyền ngày 30-10 vừa qua.
Một nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Tôi hy vọng rằng ngày kỷ niệm này sẽ được chấp nhận bởi đó sẽ là biểu tượng cho sự tha thứ lẫn nhau và sự chấp nhận lịch sử của đất nước về tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ - với những thắng lợi tuyệt vời và cả những trang bi thảm".
Ông Putin cũng nói, mọi cuộc cách mạng đều có thể để lại những hệ quả không mong muốn, mà nguyên nhân là do sự sa sút ý thức trách nhiệm của những người thực hiện và đặc biệt là của những người thừa hưởng thành quả cách mạng.
Áp phích cổ động nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười với dòng chữ “Vinh quang thuộc về lý tưởng cách mạng; Vinh quang thuộc về các chiến sĩ cách mạng” |
Tổng thống Putin cũng khẳng định, Cách mạng Tháng Mười (còn được gọi là Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa hay Cách mạng Bolshevik) là một trong những sự kiện chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX.
Một cách khách quan, nhiều tờ báo lớn ở Nga cũng nhận định rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho xã hội loài người. Những thành quả của cuộc cách mạng này rất đáng được ghi nhận. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, người lao động được hưởng chế độ làm việc không quá 8 giờ mỗi ngày và chế độ nghỉ phép hằng năm không bị trừ lương. Đó là một cái mốc vô cùng quan trọng.
Chỉ có ở nước Nga Xô viết sau cách mạng và ở chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) sau này, giới chủ và các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động không được phép sa thải người lao động nếu không có sự đồng ý của tổ chức công đoàn; mọi công dân đều có quyền lao động để nuôi sống bản thân và gia đình bằng chính sức lao động chân chính của mình. Cũng chỉ dưới chế độ XHCN, tất cả mọi người đều được hưởng chế độ giáo dục miễn phí, từ bậc mầm non đến đại học, sau đại học, cũng như được chăm sóc y tế miễn phí từ khi sinh ra cho đến khi qua đời và đều có quyền có chỗ ở hợp pháp và miễn phí.
Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, tất cả những điều trên chưa từng tồn tại ở bất cứ quốc gia nào!
Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Mười cũng đã mang lại cho phụ nữ một sự đổi đời triệt để, thể hiện qua những quyền lợi sau đây:
- Quyền được nghỉ sản kỳ mà không bị mất chỗ làm việc, với quyền lợi cụ thể là 56 ngày được hưởng nguyên lương, 1,5 năm hưởng trợ cấp nếu bận chăm con không thể đi làm, thêm 1,5 năm được nghỉ không lương nếu cần thiết và tất cả những thời gian trên vẫn được tính vào thâm niên công tác, phục vụ.
- Quyền được bảo trợ chăm sóc y tế miễn phí đặc biệt cho cả mẹ và con dưới một năm.
- Quyền được cấp sữa miễn phí cho trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi.
- Quyền được nghỉ làm việc để chăm sóc con ốm (đối với con dưới 12 tuổi) nhưng vẫn được hưởng nguyên lương…
Người dân Kyrgyzstan (nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây) cũng tích cực tham gia ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga |
Ở các quốc gia khác, một số mặt ưu việt xã hội chỉ xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhờ có phong trào công nhân quốc tế bùng lên mạnh mẽ, lấy đất nước Liên Xô làm tấm gương để đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Quả thực, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã có một sức ảnh hưởng to lớn ở tầm mức toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy đã sản sinh ra một đất nước Liên Xô hùng cường, xây dựng một chế độ xã hội công bằng, nhân ái, một nền chuyên chính vô sản đủ sức mạnh để xóa bỏ mọi áp bức, bất công, đánh bại những thế lực đen tối có sức mạnh khủng khiếp như chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít. Sau Thế chiến II, một loạt quốc gia đã tiếp bước con đường của Liên Xô, lập nên một hệ thống XHCN hùng mạnh. Đó cũng là thành quả tất yếu của Cách mạng Tháng Mười.
Cũng từ sau Thế chiến II, Liên Xô và hệ thống XHCN đã trở thành tấm gương và là nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của hàng loạt quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh từng rên xiết lầm than dưới ách thống trị, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Ngày nay, ở Nga tồn tại một luồng ý kiến tiêu cực đòi phủ nhận hoặc đánh giá lại ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Đây cũng là một quan điểm khá phổ biến ở các nước phương Tây và một số quốc gia khác. Nhưng có một sự thật không ai có thể phủ nhận, đó là không có Cách mạng Tháng Mười thì không thể có một Liên Xô hùng mạnh và một nước Nga cường quốc như ngày nay. Giới lãnh đạo Liên Xô (cũ) có thể đã mắc phải một số sai lầm trong nhận thức khiến Liên bang Xôviết tan rã, nhưng thành quả của Cách mạng Tháng Mười vẫn hiện hữu và ý nghĩa của cuộc cách mạng này vẫn còn nguyên giá trị.
Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, phần lớn người dân Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết trước đây đều thể hiện lòng ngưỡng mộ chân thành đối với cuộc cách mạng đã mang lại tự do, hạnh phúc cho con người trên 1/6 địa cầu. Về mặt nhà nước, các hoạt động ngoại giao liên quan đến lễ kỷ niệm cũng đang được ráo riết thực hiện. Một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… cũng sẽ được tổ chức long trọng trong dịp lễ.
Chiến hạm Rạng Đông, nơi phát ra hiệu lệnh cách mạng bằng một quả đạn pháo rền vang hiện đã được sơn sửa, trang hoàng lộng lẫy để đón khách tham quan trong và ngoài nước. Thủ đô Mátxcơva và thành phố St Peterburg cũng nhộn nhịp các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ lớn. Nhiều cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Liên bang Nga như Việt Nam, Lào, Cuba, Trung Quốc… cũng tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười.
Phạm Bá Thuỷ