Tương lai nào cho bệnh nhân HIV?
TP HCM hiện có hơn 41.000 người nhiễm HIV, trong đó khoảng 31.000 người đang điều trị ARV tại các trung tâm y tế quận, huyện. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi nguồn viện trợ quốc tế rút đi và bắt buộc phải chuyển sang điều trị do bảo hiểm y tế thanh toán, các cơ sở điều trị này không còn tồn tại, bệnh nhân HIV sẽ ra sao?
Nơi đòi “trả”, nơi không “nhận”
Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ hiện đang điều trị 112 bệnh nhân nhiễm HIV. Theo BS Phạm Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, từ trước đến nay việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV do Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế huyện phụ trách, còn Bệnh viện huyện Cần Giờ hỗ trợ việc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng…
Tuy nhiên, khi chuyển sang điều trị theo bảo hiểm y tế (BHYT) thì trung tâm không có chức năng khám chữa bệnh và không thể ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo hướng dẫn của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã gửi hồ sơ xin thành lập phòng khám đa khoa nhưng trung tâm này không có bác sĩ chuyên khoa ngoại, không có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, do vậy không đủ điều kiện để thành lập phòng khám đa khoa.
Điều trị methadone sẽ không còn được tài trợ miễn phí |
Trước những khó khăn đó, trung tâm đã đề nghị chuyển toàn bộ 112 bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện Cần Giờ và theo lộ trình đến tháng 12-2017 sẽ chuyển trước 1/3 bệnh nhân và tất vào quý II/2018. Mặc dù đã thống nhất từ 2 tháng trước nhưng cho đến nay sự việc vẫn “án binh bất động” do phía Bệnh viện huyện Cần Giờ chưa triển khai điều trị cho bệnh nhân HIV và cũng không cử bác sĩ sang Trung tâm Y tế huyện để được hướng dẫn cách thức điều trị.
Theo ông Dương Minh Hải, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, tính đến tháng 9-2017, mới có 2 trung tâm y tế quận, huyện được cấp phép thành lập phòng khám đa khoa (Gò Vấp và quận 9), 4 trung tâm y tế không lập được hồ sơ phòng khám đa khoa và chưa có phòng khám nào được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Khó khăn lớn nhất của các trung tâm y tế quận, huyện khi thành lập phòng khám đa khoa là sự thiếu hụt về cơ sở vật chất - trang thiết bị, nhân sự, giấy phép hành nghề, không có chuyên khoa ngoại, chưa có an toàn bức xạ, xử lý chất thải… Vì thế, một số trung tâm y tế đề xuất chuyển bệnh nhân qua bệnh viện (Nhà Bè, Cần Giờ), sáp nhập với bệnh viện (quận 2, Hóc Môn)…
Thêm người cần điều trị
Bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM cho hay, theo kế hoạch, từ 1-1-2019, thuốc ARV sẽ được chi trả qua BHYT. Tuy nhiên, có khoảng 15% bệnh nhân HIV không thể mua được BHYT vì không có giấy tờ tùy thân, vì vậy khi bị cắt nguồn viện trợ ARV từ các tổ chức nước ngoài, thành phố phải tính đến có nguồn thuốc ARV miễn phí cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 1% bệnh nhân ARV phải đổi phác đồ điều trị từ bậc 1 sang bậc 2 chứng tỏ tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị, điều trị không liên tục vẫn tiếp tục tăng.
Bà Vân cũng đưa ra một số mô hình phòng khám trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế như: Thành lập phòng khám đa khoa tại các trung tâm y tế quận, huyện, trực tiếp ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu với BHXH. Ưu điểm của mô hình này là sử dụng được đội ngũ nhân sự điều trị có kinh nghiệm từ trước đến nay, trong khi bệnh nhân được tiếp tục sử dụng dịch vụ tại cơ sở cũ, hạn chế tình trạng bỏ điều trị và kháng thuốc. Bên cạnh đó, các phòng khám này còn có thể lồng ghép hoạt động điều trị HIV với các bệnh khác như Lao, Methadone… Tuy nhiên, việc xin giấy phép, cấp mã số BHYT cần nhiều điều kiện và thời gian.
Một phương án khác là chuyển toàn bộ bệnh nhân qua bệnh viện quận, huyện. Tuy nhiên, mô hình này sẽ gây ra áp lực lớn cho bệnh viện bởi có những quận số lượng bệnh nhân lên đến hơn 2.000 người. Ngoài ra, mô hình này cũng bất cập khi đội ngũ bác sĩ bệnh viện quận, huyện chưa có kinh nghiệm trong điều trị HIV, đặc biệt vấn đề theo dõi bệnh nhân để không bỏ trị giữa chừng dường như bị bỏ ngỏ.
6 tháng đầu năm 2017, TP HCM đã có thêm 1.965 bệnh nhân ARV mới. Trong 31.005 bệnh nhân ARV đang được điều trị, có hơn 21.000 người sống tại TP HCM và 76,8% số bệnh nhân này có thẻ BHYT. Tuy nhiên, chỉ có 6.420 người sử dụng thẻ BHYT khi đi khám bệnh. |
Phương án mà bà Vân cho rằng khả thi hơn cả là thành lập phòng khám chuyên khoa điều trị HIV trực thuộc các bệnh viện quận, huyện. Theo đó, các phòng khám này sẽ thông qua bệnh viện quận, huyện để được điều trị cho bệnh nhân HIV.
Đồng tình với ý kiến này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP HCM cho rằng, để tiến độ điều trị theo BHYT được nhanh chóng nhất thì các địa phương nên lập phòng khám chuyên khoa HIV trực thuộc bệnh viện quận, huyện với vai trò tương đương như một trạm y tế. Do hiện nay Luật BHYT đã thông tuyến xã trên toàn quốc nên trong trường hợp này BHYT sẽ thanh toán được cho cả những bệnh nhân không có hộ khẩu tại TP HCM.
Sở Y tế TP HCM cho biết, thuốc ARV từ nguồn tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục sử dụng đến hết năm 2018. Bắt đầu từ 1-1-2019, toàn bộ bệnh nhân điều trị HIV sẽ bắt buộc phải chuyển qua BHYT. Do đó, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, ngay từ thời điểm này, các quận, huyện phải tìm phương án tổ chức điều trị cho bệnh nhân phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm đảm bảo không gián đoạn việc điều trị. Ông Hưng khuyến cáo: “Nếu để gián đoạn điều trị thì vô cùng nguy hiểm bởi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc và nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng ngày càng cao”.
Bạch Dương