Đòi nợ BHXH vẫn khó!
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa nêu tên hàng loạt đơn vị nợ đọng BHXH trên trang web của cơ quan này với hy vọng buộc doanh nghiệp phải thanh toán nợ. Tuy nhiên, cách làm này có hiệu quả hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào… con nợ.
Nợ nhưng cố tình không trả
Tính đến hết tháng 8-2017, Hà Nội có 500 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) từ 6-24 tháng được công bố trên trang thông tin của BHXH TP Hà Nội. Theo danh sách đã được công bố, đứng đầu bảng là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment với số nợ lên tới gần 22 tỉ đồng, tiếp theo là Công ty CP Cầu 12 - Cienco 1 với số nợ gần 16 tỉ đồng; Công ty CP Cầu 14 (quận Long Biên) nợ 21 tháng với số tiền gần 14,7 tỉ đồng…
Để đòi số nợ này, BHXH TP Hà Nội đã công khai tên doanh nghiệp (DN) lên website. Thế nhưng, thực tế hình thức đòi nợ này dự báo không hiệu quả. Bởi đây không phải là lần đầu tiên bêu tên DN nợ BHXH. Mà ở các tỉnh, thành phố cũng đã thực hiện biện pháp này nhưng “đâu vẫn vào đấy”. Đơn cử như TP Đà Nẵng thực hiện hẳn định kỳ bêu tên DN nợ đọng BHXH hằng tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH. Thế nhưng kết quả không… “ăn thua” vì trong số danh sách những DN nợ BHXH còn có cả những DN được liệt kê cố tình không trả nợ.
Tư vấn về các chế độ BHXH |
Và Hà Nội cũng không phải chưa bao giờ thực hiện giải pháp đòi nợ bằng cách bêu tên DN mà đã từng làm vào tháng 4, tháng 6 và điều đáng nói những lần bêu tên đó và cả lần này có tên những DN vẫn được nhắc lại. Như vậy hình thức đòi nợ bằng cách bêu tên cho thấy không hiệu quả. Minh chứng là tính đến hết ngày 31-8, số tiền nợ BHXH, BHYT của Hà Nội là khoảng 3.202 tỉ đồng, mà trong đó chưa tính đến số nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã từng nói khi quyết định công bố danh tính các đơn vị nợ BHXH lên các phương tiện thông tin đại chúng phải rất cân nhắc vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của DN. Nhưng cực chẳng đã mới phải làm vậy. “Vậy mà vẫn rất nhiều DN cố tình nợ dây dưa, kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”, ông Sơn nói.
Bất cập, từ trong luật
Vậy phải làm thế nào để đòi được nợ BHXH của các DN? Và đây không chỉ là vấn đề của BHXH TP Hà Nội mà là chung của các tỉnh, thành phố hiện nay. Bên cạnh giải pháp bêu tên thì BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng phối hợp trong việc khởi kiện DN nợ BHXH. Theo Luật BHXH và Luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, DN chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra tòa. Và đây là giải pháp được đánh giá là mang lại hy vọng rất lớn cho việc đòi nợ. Thế nhưng, ngay cả khi giải pháp hy vọng ấy triển khai thì mới thấy nhiều khó khăn.
Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, trong tổng số nợ thì 88,8% là tiền nợ BHXH, tương đương hơn 2.845 tỉ đồng của 34.597 DN, số tiền còn lại là của BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khoảng 656.742 người lao động. |
Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, cơ quan này đã hoàn thiện, bàn giao hồ sơ 350 đơn vị với số tiền nợ hơn 313 tỉ đồng cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tổ chức công đoàn đã chuyển hồ sơ sang tòa án khởi kiện 63 đơn vị với số tiền nợ 65,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một vụ kiện nào được đưa ra xét xử vì lý do các DN cố tình trốn tránh bằng cách hoặc là không hợp tác để cung cấp hồ sơ trong khi quy định của tòa phải có hồ sơ đó. Hoặc khi công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra xác định số nợ, thời gian nợ để hoàn thiện hồ sơ khởi kiện thì ngay sau đó DN lại tiếp tục đóng thêm một ít tiền làm cho khâu thủ tục phải tiến hành lại từ đầu. Đây chính là cách DN lách luật để không thể khởi kiện được DN.
Về nguyên nhân khách quan thì các quy định của luật đang bất cập và chồng chéo nhau. Cụ thể như theo Điều 10 của Nghị định 43 năm 2013 và Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định phải là công đoàn cơ sở hoặc là cá nhân người lao động tại DN nợ bảo hiểm mới đứng ra khởi kiện được và khi đó tòa mới thụ lý. Còn thực tế như hiện nay, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, hoặc tổ chức công đoàn nói chung khởi kiện cũng không được tòa chấp nhận. Hoặc quy định về người khởi kiện phải là công đoàn cơ sở cũng tạo ra một khó khăn nữa là: đại diện công đoàn cơ sở là chủ tịch công đoàn về bản chất cũng là người làm công ăn lương, thậm chí có quan hệ mật thiết với chủ DN nên để họ đứng ra khởi kiện hay ủy quyền cho tổ chức khác làm việc này là chuyện… không tưởng.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thẳng thắn: “Công đoàn cơ sở làm sao khởi kiện được khi chủ tịch công đoàn cơ sở cũng là người làm công ăn lương, không thể nào họ nào dám đứng lên để khởi kiện lãnh đạo của họ. Như vậy có khi họ mất việc và sự nghiệp đầu tiên. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục khởi kiện… nói chung còn đang vướng rất nhiều vấn đề”.
Chính vì vậy, để các biện pháp đòi nợ BHXH của DN có thể hỗ trợ nhau và hữu hiệu, cần phải điều chỉnh những bất cập trong các luật.
Ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng, trong khi chờ đồng bộ hệ thống pháp luật, để khắc phục “khoảng trống” của các quy định, trước mắt cần cho phép công đoàn cấp trên được phép khởi kiện nợ BHXH để “gỡ” khó cho việc ủy quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn.
Theo kết quả xếp hạng năm 2017 khu vực châu Á vừa được tổ chức xếp hạng QS (Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds, Anh quốc) công bố, có 5 trường đại học (ĐH) của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này. Năm nay, bảng xếp hạng đại học châu Á mở rộng 350-400 trường, trong đó 250 trường thuộc top đầu được xếp theo thứ hạng và 150 trường còn lại được xếp vào các nhóm 251-260, 261-270… 291-300, 301-350 và 351-400. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam để xếp thứ hạng 139. Các vị trí tiếp theo là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (tăng từ vị trí 147 lên 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (từ nhóm 251-300 xuống nhóm 301-350) và ĐH Huế (từ nhóm 301-350 xuống 351-400). Như vậy, hai trường ĐH Quốc gia của Việt Nam đều nằm trong top 150 trường ĐH hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng này. |
Nguyễn Bách