Gạo Việt xuất khẩu - lượng cao, giá trị thấp
Có nền nông nghiệp lớn, sản lượng lúa thu hoạch hằng năm 38-40 triệu tấn, Việt Nam luôn đứng vị trí nhất, nhì trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng cũng đứng hàng nhất, nhì về giá trị thấp. Đặc biệt, gạo Việt vẫn chưa tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường.
Tự phát, bấp bênh…
Bao lâu nay, nông dân thường tự quyết định loại giống sẽ trồng, ít dùng giống xác nhận dẫn đến chất lượng lúa thấp, độ thuần không cao. Ngoài ra, do sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, làm gia tăng chi phí và không có điều kiện để cơ giới hóa. Đặc biệt, do canh tác theo kinh nghiệm, tập quán cũ, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên lúa thường không đạt yêu cầu chất lượng, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Xuất khẩu gạo Việt Nam còn nhiều bất cập |
Nông dân sản xuất lúa một cách tự phát, mạnh ai nấy trồng, trồng giống gì tùy thích. Việc tiêu thụ lúa hầu hết dựa vào thương lái, chỉ có khoảng 4% sản lượng lúa được bán trực tiếp từ nông dân đến doanh nghiệp (DN). DN cũng chủ yếu mua lại lúa từ thương lái, chất lượng không cao, không đồng nhất…
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay: DN xuất khẩu gạo Việt Nam thường có gì bán nấy, đa phần chào bán những loại gạo mà khách hàng không cần, trong khi gạo khách hàng cần thì không có hoặc số lượng hạn chế. Chính vì thế, tuy đứng nhất, nhì về số lượng gạo xuất khẩu hằng năm nhưng giá trị cũng đứng hàng thấp nhất, nhì thế giới. Thị trường xuất khẩu của gạo Việt rất bấp bênh, hay bị ép giá, thương hiệu gạo vô cùng mờ nhạt.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam có nhiều bất cập: chất lượng gạo xuất khẩu thấp; phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và doanh nghiệp chưa hợp lý; công nghệ chế biến sâu chưa phát triển... Thu nhập của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL (canh tác 3 vụ lúa) khoảng 35-40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia, Philippines... |
Trong khi đó, theo DN, các chính sách phát triển thị trường xuất khẩu gạo chưa thật sự được chú trọng, chậm thay đổi, đa phần chỉ là chủ trương, nghị quyết, ít có sự đầu tư hoặc đầu tư dàn trải, đánh đồng, thất thoát, lãng phí, không kích thích các DN phát triển thị trường gạo theo hướng cạnh tranh từ chất lượng đến giá cả.
Cần xây dựng vùng nguyên liệu
Các DN cho rằng, lúa là điều kiện quyết định đến sự phát triển của ngành gạo xuất khẩu Việt Nam kể cả về chất lượng, giá trị và thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, cần phải thay đổi nền nông nghiệp trồng lúa theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và có quy hoạch sản xuất từng loại hàng hóa phù hợp với thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ; xây dựng vùng nguyên liệu lúa; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để gắn sản xuất với tiêu thụ.
“Khi xây dựng được vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch thì thị trường tiêu thụ có ngay từ thời điểm gieo cấy chứ chưa cần phải đi xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nếu không xây dựng vùng nguyên liệu thì dù Nhà nước có chi ra hàng ngàn tỉ đồng cho xúc tiến thương mại thì gạo Việt Nam vẫn không bán được hoặc nếu bán được thì giá cũng thấp” - ông Phạm Thái Bình nhận định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, hiện đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu gạo thiên về bề rộng, chưa chú trọng cải thiện chấp lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường, chưa tạo được thương hiệu... |
Mai Phương