Tương lai nào cho năng lượng của châu Phi?
Sự lao dốc của giá dầu trong 2 năm qua đã làm suy yếu một số nền kinh tế của châu Phi như Algeria, Angola và Nigeria. Vào năm 2014, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã khá lạc quan về triển vọng năng lượng của châu Phi. Còn hiện nay thì sao?
Chiếm 15% dân số toàn cầu, nhưng châu Phi chỉ sử dụng 3% năng lượng của thế giới, trong đó một nửa là năng lượng hóa thạch. Đây là một lục địa có sự bất bình đẳng lớn về tiêu thụ năng lượng: Bắc Phi và Nam Phi chỉ chiếm 30% dân số toàn châu Phi, nhưng tiêu thụ đến 80% năng lượng toàn châu lục, trong khi đó ở khu vực châu Phi vùng hạ Sahara, 2/3 dân số không có điện, năng lượng chủ yếu là củi, chiếm 47% nhu cầu của người dân.
Ngoài ra còn có sự chênh lệch đáng kể giữa mức tiêu thụ năng lượng trên đầu người giữa châu Phi với các nước phát triển trên thế giới. Mức tiêu thụ năng lượng trung bình của người dân châu Phi thấp hơn 20 lần so với Bắc Mỹ. Ngay ở châu Phi cũng có sự chênh lệch lớn. Nếu 1 năm 1 người Togo tiêu thụ hết 150kWh thì 1 người Algeria là 1.200kWh.
Châu Phi có nguồn năng lượng khá dồi dào so với các châu lục khác, nhưng lại phân bố không đồng đều. Châu Phi sở hữu 10% trữ lượng dầu toàn cầu, chủ yếu ở Bắc và Tây Phi (Angola và Nigeria) và các mỏ khí cũng khá nhiều ở Bắc Phi (65% tập trung ở Algeria) và Tây Phi, Mozambique, Tanzania, Ai Cập. Cần biết rằng, 1/3 những phát hiện về dầu khí từ năm 2011 đến năm 2016 được thực hiện tại vùng châu Phi hạ Sahara.
2/3 dân số ở khu vực châu Phi vùng hạ Sahara hiện vẫn chưa có điện |
Châu Phi cũng được đánh giá cao về urani (chiếm 15% trữ lượng của thế giới). Nguồn nước cũng rất dồi dào nhưng chưa được khai thác hết. Nhiều đập thủy điện đang được xây dựng ở Trung và Đông Phi.
Tiềm năng của năng lượng tái tạo (mặt trời và gió) được đánh giá rất cao nhưng lại chậm phát triển. Hiện cả châu Phi mới có một dự án năng lượng mặt trời ở Morocco đang được xây dựng. Người dân châu Phi vẫn sử dụng năng lượng gây ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày: 700 triệu người ở vùng hạ Sahara sử dụng bếp đun bằng chất thải thực phẩm để nấu ăn, phát ra khói độc hại được cho là đã gây ra các chứng bệnh hô hấp ở phụ nữ và trẻ em, gây ra gần 600.000 cái chết sớm mỗi năm.
Áp lực nhân khẩu học là một trong những thách thức chính cho tương lai của châu Phi. Liên Hiệp Quốc dự báo dân số châu Phi sẽ tăng từ 1,2 tỉ người vào năm 2014 lên 2 tỉ người vào năm 2050. Mức tăng dân số như vậy chắc chắn sẽ kéo theo nhu cầu mạnh mẽ về năng lượng. Theo Cơ quan IEA, nhu cầu năng lượng của châu Phi sẽ tăng từ 750 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2013 lên 1,5 tỉ tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Sự gia tăng này sẽ đi kèm với lượng khí thải CO2 ở châu Phi, hiện chỉ chiếm 3-4% khí thải toàn cầu. Nhu cầu về điện cũng sẽ tăng rất nhanh, tăng gấp bốn lần ở vùng hạ Sahara, tuy nhiên, đến năm 2050, khoảng 400 triệu người ở đây vẫn chưa có điện. Khí tự nhiên sẽ trở thành nguồn tài nguyên cơ bản nhất ở Bắc Phi, còn ở vùng cận Sahara, nhiên liệu chính vẫn là than và củi.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ở châu Phi vùng hạ Sahara trong giai đoạn 2000-2012 là 4,8% mỗi năm, trong khi ở Đông Á là 8,7% và 3,2% ở Mỹ Latinh. Như vậy châu Phi đã không bị bỏ rơi trong quá trình toàn cầu hóa. |
S.Phương