Vì sao mưa lũ gây thiệt hại lớn?
(PetroTimes) - “Nguyên nhân của trận lũ, sạt lở đất vừa qua là do lũ trái mùa, mưa lớn bất thường”, đó là nhận định của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chiều 13/10.
Chủ trì cuộc họp thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12/10 là ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) và ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên TT Ban Chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) chủ trì cuộc Họp thông tin báo chí chiều 13/10 |
Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai nhận định, những trận mưa lũ dồn dập vừa qua là do biến đổi của khí hậu, gây bão mạnh trái mùa, đặc biệt là trận mưa lũ trong 3 ngày. Hiện tại còn phải tiếp tục đối diện với bão số 11 trên Biển Đông dự kiến đổ bộ vào đất liền tối 16-17/10 tới, sẽ tiếp tục gây mưa lớn với cường độ cấp 8 giật cấp 10 có khả năng lên cấp 11-12.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo, lượng mưa lớn bất thường trong 2 ngày 10 và 11/10 đã khiến lượng nước tại nhiều hồ thủy điện lên cao bất thường, trong đó có hồ thủy điện Hòa Bình với lưu lượng đạt đỉnh là 15.940 mét khối/giây. Do đó, hồ Hoà Bình đã phải xả 8 cửa xả đáy với lưu lượng nước hơn 16.500 mét khối/giây, khiến cho mức nước trên sông Hồng và sông Thái Bình tăng lên. Đến chiều 13/10, mực nước đã về mức 115,28m, dưới mực nước dâng bình thường, thủy điện Hòa Bình cũng đã đóng các cửa xả đáy.
Thiệt hại khá nặng nề: 55 người chết, 38 người mất tích. Gần 190 ngôi nhà bị sập, gần 70 nghìn héc ta lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi... Tình trạng ngập úng xảy ra ở nhiều địa phương do đã xảy ra hàng chục sự cố trên các tuyến đê, khiến cho nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt, đến thời điểm này vẫn chưa được thông tuyến...
Trước thông tin cho rằng việc xả lũ vừa rồi ở hồ Hòa Bình là quy trình ngược, vì sao lại dừng phát điện ở Sơn La và xả 8 cửa xả đáy hồ Hòa Bình? Ông Trần Quang Hoài cho biết: Trận lũ, sạt lở đất vừa qua là đợt thiên tai lớn, có khu vực mưa cao trên 500mm, phạm vi trải dài từ Hà Tĩnh tới Sơn La, Yên Bái. Đây là việc làm kịp thời và chính xác vì ở thời điểm đó lượng nước về các hồ chứa rất lớn.
"Tôi có mặt ở hồ lúc đó, nước đã vượt qua cửa van tum, nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van thì tác hại không lường được. Việc xả lũ hoàn toàn đúng quy trình. Nếu như hồ Hòa Bình không được xả thì nguy cơ vỡ đập rất cao. Việc đóng hồ Sơn La, đây là hành động linh hoạt, chính xác. Vì nếu không đóng sẽ gây áp lực thêm cho hồ Hòa Bình, có thể khiến hồ này phải xả đến 9-10 cửa xả đáy. Đợt lũ này rất đặc biệt, chỉ mưa khu vực hồ Hòa Bình, còn ở Sơn La thì lượng mưa ổn định. Hơn nữa đập Sơn La an toàn, vững chắc hơn, đảm bảo cắt lũ cho hạ lưu" - ông Hoài khẳng định.
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã hỏi về việc dự báo thiếu chính xác của Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn Trung ương khiến cho nước về hồ bất ngờ.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương |
Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường cho hay: "Việc dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn. Việc dự báo mưa trên thế giới ít khi chính xác được đến từng mm, chỉ dự báo được mưa lớn hay mưa nhỏ. Chúng tôi nhận thức được dự báo định lượng mưa là rất quan trọng và đã cố gắng đưa ra được những định lượng mưa trong khả năng của mình, liên tục được cập nhật, và càng gần sát khu vực thì thông tin càng chính xác. Tuy nhiên, đợt áp thấp vừa qua gây mưa rộng từ Quảng Nam ra đến Hòa Bình, Yên Bái, chia làm hai đợt mưa trước và sau áp thấp. Dự báo cơ bản là sát thực tế nhưng do nhiều yếu tố cực đoan ở Hòa Bình mà chỉ trong 6 tiếng chuyển biến mưa lớn hơn gấp nhiều lần so với dự tính (lúc 01h00 ngày 11/10 - dự báo 3.800mm trong khi thực tế là 9.360mm; 15h ngày 11/10 là 2.900mm trong khi thực tế là 11.290mm). Việc dự báo và ứng phó với lượng mưa cực đoan rất khó. Hoàn lưu sau bão thường mưa từ nửa đêm về sáng. Các bản tin chiều rất quan trọng, vì vậy chỉ có thể dự báo xa, thời điểm nửa đêm về sáng là lúc rất khó khăn trong ứng phó và truyền tin.
Để khắc phục, chúng tôi thấy đây là bài toán khó nhưng dần từng bước cải thiện nhận định lượng mưa, đặc biệt là mưa cực đoan, trong đó có tăng cường các trạm đo mưa tự động, các ra đa, kết hợp các mô hình từ các nước để có những cảnh báo chính xác, tin cậy, sớm hơn chứ không đến mức đến chiều mới có thông tin dự báo cho đợt mưa vào rạng sáng hôm sau".
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia |
Giải thích thêm về vấn đề dự báo chưa sát, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin: Dự báo càng gần thời điểm áp thấp đổ bộ thì càng chính xác, càng xa thì độ chính xác càng giảm bớt.
Đang trả giá cho việc phá rừng đầu nguồn Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng lũ ống, lũ quét liên tiếp ở nhiều nơi, như ở Yên Bái, chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp mấy trận lũ, mức độ khốc liệt như vậy có hay không nguyên nhân từ việc phá hoạt, mất rừng đầu nguồn thời gian vừa qua? Ông Trần Quang Hoài trả lời: "Chuyện phá rừng đầu nguồn là câu chuyện lớn. Hiện đi lên khu vực Sơn La có thể thấy rất rõ những khu rừng ngút ngàn trước đây đã bị cạo trọc để thay thế vào đó những nương ngô. Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu rừng như vậy, để đúng là tấm giáp chắn giúp điều tiết nước phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa". |
Diệu Thuần