Cần có nhiều ca khúc du lịch
Ca khúc du lịch là gì? Đó là những bài hát phục vụ cho ngành du lịch, nhằm giới thiệu, miêu tả những danh lam, thắng cảnh, những di tích lịch sử, những điểm du lịch. Nói cách khác, đó là những bức tranh vẽ toàn cảnh nơi du lịch nhưng không phải bằng màu sắc mà bằng âm thanh.
Trong kinh doanh, ngành nghề nào cũng cần phải tiếp thị, nhất là khi có sự cạnh tranh. Nơi nào làm tốt việc này tức là đã bảo đảm một tỉ lệ đáng kể để dẫn tới hiệu quả. Ngành du lịch không nằm ngoài quy luật này. Nhưng tất cả các tổ chức, địa điểm du lịch mới chỉ nghĩ đến việc tuyên truyền quảng cáo bằng hình ảnh, thông tin mời gọi trên các phương tiện truyền thông. Tất nhiên đó là cách làm không thể thiếu, để giúp khách hiểu thêm về các nơi du lịch. Nhưng còn một hình thức tuyên truyền, giới thiệu rất hay, hấp dẫn, có hiệu quả mà hầu như rất ít nơi nghĩ tới: Đó là những ca khúc du lịch.
Ca khúc du lịch là gì? Đó là những bài hát phục vụ cho ngành du lịch, nhằm giới thiệu, miêu tả những danh lam, thắng cảnh, những di tích lịch sử, những điểm du lịch. Nói cách khác, đó là những bức tranh vẽ toàn cảnh nơi du lịch nhưng không phải bằng màu sắc mà bằng âm thanh.
Loại bài hát này có khác với những bài hát truyền thống về các vùng quê hương đất nước, mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi là các tỉnh ca, huyện ca, xã ca, thôn ca… Nhiều bài nổi tiếng được công chúng truyền tụng như Thành phố hoa phượng đỏ viết về Hải Phòng của Lương Vĩnh; Nha Trang – mùa thu lại về viết về Nha Trang của Văn Ký; Dáng đứng Bến Tre viết về Bến Tre của Nguyễn Văn Tý… là những bài hát truyền thống. Loại bài này nhắc đến một vài địa danh chỉ là để người nghe biết tác giả viết về nơi nào, còn chủ yếu là phải nói được đặc điểm về địa lý, lịch sử, các phong trào, thế mạnh truyền thống của địa phương. Còn ca khúc du lịch lại không cần nói nhiều đến những nội dung đó mà nghiêng về phô diễn cảnh đẹp thiên nhiên, biểu hiện cảm xúc của con người trước bức tranh thiên nhiên ấy.
Thực ra, ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, tuy lúc ấy chưa có ngành du lịch ở nước ta, và đương nhiên là người nhạc sĩ không có ý thức gì về việc sáng tác bài hát du lịch mà chỉ muốn nói đến những quê hương và con người kháng chiến, nhưng một số bài đã mang dáng dấp của những ca khúc du lịch khá hấp dẫn (như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Quê em của Nguyễn Đức Toàn…).
Tôi nói mang dáng dấp bởi vì nghe những bài hát này, ai chưa có dịp đến đồng bằng Nam Bộ, tới miền Trung du Bắc Bộ thì rất muốn đến, do nghe bài hát mà hình dung được những vùng địa lý thật nên thơ, tuyệt diệu, hấp dẫn biết bao. Đó rõ ràng là những yêu cầu rất cần thiết đối với một ca khúc du lịch. Chỉ có điều, các tác giả không thể miêu tả quê hương đất nước mà lại tách khỏi bối cảnh kháng chiến, vì lúc đó, âm hưởng chiến đấu, chiến thắng là chủ đạo trong mọi sáng tác văn nghệ, chẳng cứ chỉ trong âm nhạc. Cho nên mới có “bao là gươm, bao là súng, đầu lưỡi lê đi chiếm lại đồng quê ta. Bao hờn căm đang trào dâng, quân kéo về phá tan giặc gìn giữ xóm quê” (Quê em ).
Những năm gần đây, khi ngành du lịch nước ta hình thành và phát triển, một số nhạc sĩ có thể cố ý hoặc không cố ý đã cho ra đời được một số ca khúc du lịch đặc sắc, khiến người nghe thích thú: Vũng Tàu biển hát, Đêm Chư Pông (Vũ Thanh); Đêm trăng rừng Cúc Phương (Vân Đông); Về Yên Tử, Nhớ Cúc Phương (Trần Chung); Sa Pa thành phố trong sương (Vĩnh Cát); Em ở Cần Giờ (Nguyễn Thịnh); Về Hà Tiên, Tình ca Sầm Sơn (Nguyễn Đình San)… Những bài tiêu biểu kể trên đã là những ca khúc du lịch khá mẫu mực vì nó đáp ứng đúng yêu cầu của loại bài hát này: Tạo dựng được cảnh đẹp độc đáo của thiên nhiên, mang những nét rất riêng biệt của từng vùng. Nghe những bài trên, nếu ai chưa có dịp đặt chân sẽ háo hức muốn tới, còn ai đã đến thì sẽ cảm thấy nhạc sĩ miêu tả rất đúng cảnh, hợp tình.
Vậy yêu cầu của bài hát du lịch là gì? Về giai điệu, phải rất trữ tình, lãng mạn, ngôn ngữ âm nhạc phải mang rõ tính chất, phong vị thiên nhiên nơi đó, khiến người nghe nếu tước bỏ phần lời, chỉ nghe âm nhạc cũng có thể hình dung rất rõ cảnh sắc thiên nhiên. Ví dụ: bài Về Yên Tử của Trần Chung có giai điệu uốn lượn diễn tả sinh động những bậc thang trên dốc dựng đứng cheo leo; trong khi bài Nhớ Cúc Phương cũng của ông lại có âm hưởng rất phù hợp với rừng heo hút. Về lời ca, cần giàu hình tượng văn học, giàu chất thơ, biểu hiện sâu sắc cảm xúc dạt dào, tình yêu thiên nhiên của con người trước bức tranh diễm huyền đó. Phải làm sao để nghe bài hát, người ta đã thích đặt chân tới. Kể lể rất nhiều địa danh, ca ngợi rất nhiều cảnh đẹp mà giai điệu khô khốc, thiếu cảm xúc thì không thể gây cảm tình người nghe. Và họ không thể nào hình dung được vẻ đẹp hấp dẫn của điểm du lịch.
Du khách đến một nơi du lịch, bên cạnh người hướng dẫn viên giới thiệu, thuyết minh về địa lý, lịch sử, nguồn gốc… lại có một vài bài hát về nơi đó vang lên, chắc chắn sẽ tăng thú vị, sức hấp dẫn cho du khách rất nhiều.
Để có được những bài hát du lịch này, đương nhiên là các nơi phải tổ chức mời nhạc sĩ sáng tác. Một số bài hát hay, hấp dẫn ở trên chủ yếu được ra đời do các tác giả đi du lịch, công tác “tức cảnh sinh tình” mà viết, chứ ít khi do điểm du lịch “com – măng”. Nhưng nếu chỉ trông cậy vào sự ngẫu hứng như vậy thì sẽ luôn bị động, chẳng biết bao giờ nhạc sĩ mới “hứng”, mới “thụ thai” rồi đẻ ra tác phẩm. Tình hình như vậy giải thích lý do hiện nay còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn , nổi tiếng nhưng chưa có bài hát hay (như Tam Đảo, Đền Hùng, Đồ Sơn, Cửa Lò, Hạ Long, Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng và nhiều nơi khác).
Hiện nay, ngành du lịch nước ta đang phát triển mạnh, thu hút nhiều khách nội địa và quốc tế. Hi vọng vấn đề này được các nhạc sĩ và các nhà quản lý, tổ chức du lịch quan tâm. Ca khúc du lịch chẳng những chỉ là yếu tố giúp đắc lực cho việc tuyên truyền, giới thiệu nhằm phục vụ kinh doanh của ngành mà còn góp phần làm phong phú thêm diện mạo âm nhạc, đời sống tinh thần của công chúng.
Thôn Ca