Từ chối đăng kiểm xe vi phạm là có cơ sở!
Ngày 6/10, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an cho biết, việc từ chối đăng kiểm cho các phương tiện chưa nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ là có cơ sở.
Đại diện C67 viện dẫn Điều 4, Chương I, Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định các hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới với nội dung: “Không kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định".
Một công đoạn đăng kiểm xe ôtô. |
Do đó, việc cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách mà cơ quan Cảnh jsát giao thông thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở.
"Quy định "chưa đăng kiểm" hay "từ chối đăng kiểm" đều không hợp lý và trái luật bởi việc chủ xe chưa nộp phạt và chiếc xe đi đăng kiểm là hai chủ thể khác nhau. Điều này có nghĩa, người vi phạm giao thông có nghĩa vụ thực hiện biện pháp xử phạt hành chính khi họ vi phạm. Tuy nhiên phương tiện giao thông vẫn phải được đơn vị đăng kiểm kiểm định cho dù họ chưa thực hiện nghĩa vụ này" - Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc). |
Đại diện C67 cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ quy định cho phép Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc phối hợp cung cấp thông tin về chủ phương tiện vi phạm giao thông với đơn vị đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải nằm trong quy định này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, trong vài ngày tới Cục sẽ họp xem xét về việc
Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối kiểm định thì có đúng với tinh thần Thông tư 70/2015/TT-BGTVT hay không sau đó sẽ có phản hồi cụ thể.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã nhận được đề nghị không đăng kiểm cho gần 16.000 ôtô vi phạm từ cơ quan Công an. Trong khi đó, năm 2016, đơn vị này chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 trường hợp. Những trường hợp bị đề nghị từ chối đăng kiểm là các xe bị “phạt nguội” qua camera và bị cảnh sát giao thông lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 5.500 xe chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận đăng kiểm trở lại.
Trả lời PV PetroTimes về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc xử lý vi phạm và đăng kiểm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu có việc không cho đăng kiểm từ cơ quan Công an thì phải có văn bản quy định của liên ngành bao gồm: Cục Đăng kiểm Việt Nam và phía cơ quan Công an và quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên.
Điều 4 - Thông tư 70/2015/TT-BGTVT: Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới 1. Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, từ chối kiểm định cho xe cơ giới khi không có lý do chính đáng. 2. Kiểm định khi thiết bị kiểm định không bảo đảm độ chính xác; khi việc nối mạng truyền kết quả kiểm tra của thiết bị kiểm định bị hư hỏng; kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định. 3. Bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng với quy định. 4. Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định. 5. Thu phí, lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu và nhận tiền hoặc quà biếu dưới mọi hình thức. 6. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. 7. Lập hồ sơ cho xe cơ giới, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định. |
Minh Hinh