Nga phát triển điện mặt trời ở vùng sâu, vùng xa
(PetroTimes) - Tại Cộng hòa Buryatya thuộc Nga, trạm điện mặt trời đầu tiên với công suất 10 MW đã được xây dựng, theo thông báo ngày 5/10 của Tổng thống Buryatya, A. Tsydenov tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga.
Trạm điện mặt trời Bichur được xây dựng ở Cộng hòa Buryatya. Chủ đầu tư và nhà thầu bao gồm các công ty Heuvel, Renova và RUSNANO. Chi phí xây dựng trạm Bichur ước tính khoảng 1 tỷ rúp. Dự án sẽ tạo ra hơn 100 việc làm mới và các khoản thu thuế cho ngân sách ở các cấp khác nhau trong 15 năm sẽ lên tới hơn 1,2 tỷ rúp.
Vào năm 2019, trong khuôn khổ chương trình "Năng lượng mặt trời Buryatia", công ty Hevel có kế hoạch khởi công xây dựng trạm điện mặt trời Gusinoozerskaya, đó sẽ là trạm điện mặt trời thứ 2 tại Buryatya. Công suất của trạm Gusinoozerskaya sẽ là 15 MW.
Thêm vào đó, khả năng xây dựng các trạm điện mặt trời quy mô nhỏ ở vùng sâu vùng xa của Buryatia cũng đang được xem xét.
Đối với Buryatia, với lãnh thổ rộng lớn, mật độ dân số thấp và tốn chi phí cao để duy trì mạng lưới điện quốc gia, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là rất quan trọng. Một ví dụ là khu vực Okinsky, nơi có mạng lưới dài hơn 100 km chỉ để phục vụ dưới 4.000 người, với tổng mức tiêu thụ ít hơn 1,5 MW.
Về vấn đề này, chính quyền Buryatia đang xem xét việc tạo ra nguồn điện ngay tại địa phương, và phương án được lựa chọn là phiên bản kết hợp: “Mặt trời-diesel”. Sự kết hợp này, theo ông A. Tsydenov, có thể đáp ứng nhu cầu địa phương mà không cần phải kéo điện từ mạng lưới quốc gia khi mà tỷ lệ sử dụng thấp.
Hơn nữa, năng lượng mặt trời ở Buryatya là rất hứa hẹn, bởi vì một năm trong cả nước có hơn 300 ngày nắng.
Việc xây dựng trạm điện mặt trời Bichur là một dự án thí điểm, nhưng nó đã cho thấy hiệu quả rất khả quan.
Bá Thủy