Cơ hội đầu tư vào sản xuất năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam
(PetroTimes) - Ngày 3/10 tại Hà Nội, Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng 94E phối hợp cùng Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Nhà đầu tư về "Các cơ hội đầu tư vào Dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Ngành mía đường Việt Nam đang chuẩn bị phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi các nước ASEAN theo các thỏa thuận về thương mại trong khu vực, sẽ giảm thuế nhập khẩu đường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp mía đường đang tìm cách ứng dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và tìm những nguồn doanh thu bổ sung, trong đó có nguồn thu từ bán điện thừa lên lưới quốc gia.
Tại Hội thảo, 5 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về các dự án năng lượng trong ngành mía đường đã được chia sẻ với 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lí, nhà đầu tư, ngân hàng và các đối tác. 5 báo cáo này được triển khai tại các nhà máy đường Phụng Hiệp, Xí nghiệp đường Vị Thanh, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Các báo cáo do công ty tư vấn Enerteam, Viện Khoa học Năng lượng, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 4 và công ty tư vấn đến từ Đức E-Quadrat cùng triển khai.
Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng phát biểu. |
Từ những báo cáo tiền khả thi này, các nhà máy đường có thể hình dung được một bức tranh thực tế về các cơ hội đầu tư. Trong quá trình thực hiện báo cáo, công ty tư vấn cũng được đào tạo thêm về cách thức triển khai dự án nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án đồng phát năng lượng trong ngành mía đường.
"Hội thảo Nhà đầu tư hôm nay là cơ hội để các ngân hàng thương mại, các nhà máy mía đường và đại diện các cơ quan quản lí hiểu thêm về tiềm năng sản xuất điện trong ngành, và xây dựng niềm tin vào công nghệ cho quá trình này. Hội thảo này là một bước hỗ trợ ngành công nghiệp mía đường nói riêng và Việt Nam nói chung phát huy tiềm năng về điện sinh khối”, bà Sonia Lioret, Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng phát biểu.
Ông Adam Ward, Đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam cho biết: ”Việt Nam đã đặt mục tiêu tới 2030 có 2% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối mà điều này chỉ có thể đạt được thông qua sự tham gia của khu vực tài chính tư nhân. Đó là lý do tại sao diễn đàn các nhà đầu tư ngày hôm nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là một cơ hội để các công ty mía đường và các tổ chức tài chính có thể hiểu được nhu cầu của nhau - chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy những dòng tài chính cần thiết cho năng lượng tái tạo cũng như để Việt Nam đạt được các mục tiêu này”.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam trình bày tổng quan về ngành mía đường của Việt Nam |
Tại hội thảo, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin tổng quan về ngành mía đường của Việt Nam và những cơ hội cũng như thách thức. Trước sự chuyển vận của nền kinh tế thị trường, việc các nhà máy đường thực hiện việc đồng phát điện là một trong những việc làm theo đúng xu thế. Theo Quyết định số 24/2014/QĐ-Ttg ngày 24/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định số 942/QĐ-BCT ngày 11/03/2016 của Bộ Công Thương ban hành biểu giá chi phí tính được áp dụng cho điện sinh khối và Thông tư số 44/2015/TT-BCT ngày 9/12/015 của Bộ quy định về phát triển dự án, biểu giá chi phí và hợp đồng mua bán điện, mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối là cơ sở hành lang pháp lý tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp mía đường quan tâm đầu tư sử dụng bã mía (nguồn năng lượng tái tạo) để sản xuất điện góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và bổ sung nguồn điện năng cho năng lượng Quốc gia.
Hội thảo là điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học, tư vấn, quản lí trong nước và quốc tế để xem xét quyết định đầu tư phát triển các dự án điện từ bã mía trong thời gian tới, ông khẳng định.
Tại Hội thảo Nhà đầu tư, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng đã công bố Sổ tay Hướng dẫn phát triển dự án Năng lượng Sinh khối tại Việt Nam. Cuốn Sổ tay giải thích các bước trong quy trình đầu tư dự án điện sinh khối tại Việt Nam và hướng tới thúc đẩy sử dụng nguồn phụ phẩm sinh khối để sản xuất điện.
Ngành mía đường Việt Nam đến nay có 41 nhà máy đường phân bổ đều ở các vùng sinh thái: Bắc - Bắc Trung Bộ (11) miền Trung Tây Nguyên (14), Đông Nam Bộ (6), Đồng bằng sông Cửu Long (8). Niên vụ 2016/2017 có 38 nhà máy đường sản xuất được hơn 13 triệu tấn mía, ép được gần 13 triệu tấn đường. Theo Tổ chức đường thế giới (ISO), có thể sản xuất được khoảng 52 sản phẩm từ cây mía, gồm sản phẩm đường, năng lượng hóa phẩm, mỹ phẩm… Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành mía đường Việt Nam đang xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; thực hiện cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía trong ngành mía đường. |
Diệu Thuần