Chỉ 100 năm nữa biển sẽ “nuốt chửng” miền Tây
Trong Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 26 và 27-9 tại Cần Thơ, một số nhà khoa học đã dự báo chỉ 100 năm nữa vùng đất này có thể biến mất do nước biển dâng kết hợp với biến đổi khí hậu.
Biển dâng, đất lún
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu, nguy cơ này thực tế đang diễn ra từng ngày, từng giờ mà người dân nơi đây phải đối mặt.
Căn cứ khoa học mà chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đưa ra đó là ĐBSCL đang bị lún từ 1,1cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2,5cm/năm. Còn nước biển dâng khoảng 3mm/năm. Cao trình mặt đất ở ĐBSCL trung bình chỉ cao hơn mực nước biển 1-1,5m. “Với tốc độ lún và nước biển dâng như hiện nay, theo tính toán chuyên môn của khoa học, chỉ 100 năm nữa ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển” - ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng dẫn chứng số liệu mà các nhà khoa học Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) đã tiến hành nghiên cứu tác động của 25 năm khai thác nước ngầm đối với tình trạng sụt lún ở ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu này phát hiện giai đoạn năm 1991-2016 toàn vùng ĐBSCL đã bị lún 18cm, có nơi lún tới 53cm.
Sạt lở nghiêm trọng ở ven biển tỉnh Trà Vinh 2016 |
“Hầu như mọi người dân ở ĐBSCL đều biết rằng, trong tương lai nước biển dâng sẽ làm ngập đất đai, nhà cửa của họ. Nhưng thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 3mm/năm mà thôi, không đáng sợ bằng sụt lún, bởi vì một số nơi đã lún gấp 10 lần nước biển dâng. Lún kết hợp với nước biển dâng chẳng khác gì ĐBSCL đang bị chìm” - ông Thiện khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị chung, tại hội nghị chuyên đề tổng quan về thách thức và cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng cho biết, một số vùng của tỉnh Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25cm.
Theo ông Thể, việc ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng có thể bị nhấn chìm là chuyện trong tương lai gần, nhưng vẫn còn những biện pháp xử lý và ứng phó kịp thời để không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
“Nước biển dâng đã khiến nước ngọt của vùng rất hạn chế. Nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong đồng bằng, khi đó sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Người dân bao đời nay sống bằng nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, giờ chuyển qua mô hình nước lợ, nước mặn là rất khó. Nước lợ trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng là việc khó” - ông Thể nói.
Trồng rừng ngăn biển dâng
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, đối với sụt lún mà nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm thì không thể giải quyết bằng biện pháp công trình. “Cách duy nhất để cứu ĐBSCL khỏi bị chìm nhanh là phải giảm hoặc dừng ngay việc khai thác nước ngầm; đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước mặt hiện có. Muốn vậy, phải có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước đồng thời chuyển sản xuất nông nghiệp sang công nghệ, kỹ thuật cao như các nước tiên tiến trên thế giới ” - ông Thiện nói.
“Nước biển dâng kết hợp với biến đổi khí hậu khiến bão sẽ mạnh hơn, dông lốc mạnh hơn, sóng biển sẽ tác động đến tất cả hệ thống đê ở ĐBSCL, những chỗ đó đều xảy ra sạt lở, có nơi sạt lở rất nghiêm trọng”. |
Về lâu dài, ông Thiện cho rằng, biện pháp công trình như xây dựng đê biển để ngăn mặn và trữ ngọt, đồng thời xây kè bao quanh các đô thị và khu dân cư để chống ngập cần hết sức thận trọng vì khó có thể ngăn mặn đặc biệt mối liên hệ sông - biển sẽ bị cắt đứt. “Chẳng những không giải quyết được chuyện gì mà còn đảo lộn điều kiện tự nhiên, suy thoái môi trường” - ông Thiện khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề xuất 2 giải pháp cho tỉnh mình và toàn vùng ĐBSCL một cách căn cơ. “Đầu tiên, để hạn chế nước biển dâng, đặc biệt lúc triều cường cao, cần có giải pháp hình thành các khu rừng ngoài biển, cản dòng nước triều, đây là giải pháp rất cần cho các tỉnh ven biển. Thứ hai, để hạn chế được lún sụt đất trong khi ĐBSCL có nước mặt dồi dào cần có giải pháp hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân và khuyến cáo người dân dừng ngay không khai thác và sử dụng nước ngầm nữa”.
An An