Thiếu cảng nước sâu: Kinh tế biển gặp khó
Trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu hệ thống cảng biển nước sâu là một trong những rào cản chính đến sự phát triển của ngành kinh tế biển.
Tăng trưởng chưa tương xứng
Theo lãnh đạo VPA, những năm gần đây, hệ thống cảng biển Việt Nam và miền Trung đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng hệ thống giao thông kết nối; tạo sự thuận lợi, phát triển thông thương, hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Lê Công Minh - Chủ tịch VPA, năng lực hàng hóa thông qua các cảng chưa tương xứng với tiềm năng, bởi thiếu hạ tầng cảng nước sâu.
Thống kê mới nhất của VPA cho thấy, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng thành viên tăng trưởng khoảng 5,4% so với năm 2015, trong đó container khoảng 3,5%. Mặc dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo VPA, mức tăng trưởng trên là không đồng đều, thiếu bền vững. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng hóa thậm chí còn bị giảm khoảng 23%. Trong số 67 thành viên của hiệp hội trên cả nước, chỉ có 4 thành viên đạt sản lượng trên 10 triệu tấn, 9 cảng đạt 5-10 triệu tấn.
Vận tải biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng do thiếu cảng nước sâu |
“Hiện nay có hơn 80% lượng hàng container xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn phải sử dụng cảng biển và tàu cỡ nhỏ gây rất nhiều tổn phí và cả tổn phí cơ hội cho các chủ hàng” - lãnh đạo VPA cho biết thêm.
Cụ thể đối với 2 cảng lớn, VPA nhận định, tổng năng lực thông qua của cụm cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải và Lạch Huyện là chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, tình trạng giá phí dịch vụ còn thiếu minh bạch ở nhiều nơi đang làm ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của cảng biển và tính cạnh tranh của hàng xuất nhập khẩu Việt Nam so với bên ngoài.
Ông Lê Công Minh cũng nhấn mạnh cơ chế và năng lực quản lý cạnh tranh quốc tế tại thị trường dịch vụ hàng hải Việt Nam còn bị hụt hẫng và chưa bám sát nhu cầu thị trường và năng lực quản lý theo vùng miền.
Nhiều cảng nhưng vận tải biển vẫn còi cọc
Trong khi đó, theo báo cáo của ba khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai và Dung Quất gửi tới Nhóm tư vấn hợp tác các vùng duyên hải miền Trung trước thềm Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 (diễn ra ngày 25-9 tại Đà Nẵng) cho thấy, đang có cuộc chạy đua trong phát triển cảng biển ở miền Trung. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì dịch vụ vận tải biển của khu vực này vẫn còi cọc.
“Hệ thống cảng tại khu vực miền Trung khá dày đặc, cứ 30-40km đường biển lại có 1 cảng biển, song hệ thống cảng biển - logistics của miền Trung vẫn kém phát triển hơn so với TP HCM và Hải Phòng. Cuộc đua thu hút đầu tư giữa các địa phương tại miền Trung đang diễn ra rất gay gắt. Trong cuộc đua này, yếu tố cảng biển được các địa phương sử dụng như một chiến lược mũi nhọn để quảng bá sức hấp dẫn” - một trong những báo cáo chỉ rõ.
Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề của các tỉnh miền Trung là các khu kinh tế lớn như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất... đều chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, sản xuất, trong khi các tỉnh vẫn thi nhau nâng cấp các cảng của tỉnh mình. Điều này vừa khiến hao tổn nguồn lực trong đầu tư, vừa khiến việc cạnh tranh giữa các tỉnh trở nên gay gắt.
Điều này cũng dẫn đến lượng hàng hóa qua các cảng biển lớn tại miền Trung chỉ chiếm hơn 15% cả nước. Trong đó, lượng hàng container qua 2 cảng lớn là Đà Nẵng và Quy Nhơn chỉ chiếm khoảng 3,2%.
Ông Mai Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Asiatrans Việt lý giải tình trạng trên là do cùng với việc công nghiệp địa phương của khu vực này không đủ mạnh để cung cấp hàng hóa cho dịch vụ logistics. “Mặt khác, tình trạng mỗi tỉnh đều có một cảng nên hàng hóa càng bị phân tán càng khiến các nhà cung ứng dịch vụ logistics không thể dựa vào quy mô dịch vụ để phát triển” - ông Quang nói.
“Các tỉnh nên dành nguồn tiền đầu tư vào cảng để nâng cấp đường sá, đào tạo nhân lực và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư hơn là tập trung đầu tư vào cảng ở thời điểm hiện nay” - ông Quang đề xuất.
An An