Cái chết được báo trước của điện hạt nhân
5 năm sau vụ tai nạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, điện hạt nhân thế giới đang rơi vào thoái trào?
Trong năm 2016, có chưa đầy 10 lò phản ứng điện hạt nhân được đưa vào vận hành và từ đầu năm 2017 đến nay mới có thêm 2 lò nữa được đưa vào sử dụng. Tổng cộng có 403 lò phản ứng hiện đang hoạt động tại 31 quốc gia. Năm ngoái, sản lượng điện hạt nhân chỉ tăng được 1,4%, thua rất xa so với những năng lượng tái tạo khác.
Trong báo cáo ngày 14-9-2017, Hiệp hội Năng lượng hạt nhân quốc tế đã bày tỏ lo lắng trước sự suy giảm của các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới vì nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là ngành này đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ năng lượng tái tạo.
“Người dân trên thế giới chưa có đủ điện sử dụng chứ chưa nói tới điện giá rẻ và nguồn phát điện không gây ô nhiễm môi trường”, Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Quốc tế, Agneta Rising cho biết trong phiên khai mạc hội nghị chuyên đề năng lượng hạt nhân hằng năm ở London, Anh.
Năm 2017 thế giới chỉ có thêm 2 lò phản ứng hạt nhân được xây mới |
Bà Agneta Rising cho rằng, trong năm ngoái, sản lượng điện hạt nhân trên thế giới đạt khoảng 10GW, tương đương mức của năm 2015 và là mức cao nhất trong vòng 25 năm qua. Nhưng sản lượng điện hạt nhân vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng điện toàn cầu, khoảng 10,5%. Đã vậy, theo bà Agneta Rising, nhịp độ tăng trưởng của ngành điện hạt nhân lại đang có chiều hướng giảm. Điều này đe dọa tới mục tiêu của ngành này là đảm bảo 25% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu trên, theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng hạt nhân quốc tế, các nhà máy điện hạt nhân phải tăng thêm 1.000GW. Báo cáo của hiệp hội ngày 14-9 cho biết, mức độ tăng trưởng của điện hạt nhân trong năm 2016 chỉ đạt 1,4%, thua rất xa so với tốc độ phát triển của điện gió, 16% và điện mặt trời, 30%.
Sự cạnh tranh của các năng lượng tái tạo về giá cả lại càng khiến ít có nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào ngành năng lượng hạt nhân. Báo cáo của Hiệp hội Năng lượng hạt nhân quốc tế cho biết, hiện nay giá năng lượng tái tạo tại Mexico, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UEA), Ấn Độ thậm chí cả ở Mỹ thấp hơn nhiều so với giá điện hạt nhân.
Để thúc đẩy điện hạt nhân nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng thế giới, bà Rising kêu gọi chính phủ các nước và các nhà công nghiệp điện hạt nhân tiến hành 3 thay đổi. Thứ nhất là làm sao để ngành năng lượng hạt nhân được thừa nhận là ngành công nghiệp ít phát thải khí gây ô nhiễm môi trường; Thứ hai là thuyết phục người dân tin tưởng vào điện hạt nhân bằng cách không để xảy ra những tai nạn kiểu như Three Mile Island (1979), Tchernobyl (1986) và Fukushima (2011); Cuối cùng, theo bà Rising là các nước cần có sự thay đổi trong chính sách phát triển điện hạt nhân.
Tuy nhiên, tại hội nghị chuyên đề năng lượng hạt nhân hằng năm ở London, Hiệp hội Kick Nuclear kêu gọi thế giới không nên mất thời gian, tiền bạc vì một công nghệ của “quá khứ”. Theo họ, công nghiệp điện hạt nhân đã có 60 năm phát triển, giờ là lúc cho nó nghỉ ngơi và thay vào đó là năng lượng tái tạo.
Ngày 9-9, Pakistan đã khánh thành lò phản ứng điện hạt nhân thứ 5 (Chashma-IV) có công suất 340MW với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Pakistan là một trong số ít các nước đang phát triển tiếp tục mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011. |
S.Phương