Phần lớn doanh nghiệp phải dùng hóa đơn điện tử từ năm 2018
Theo Dự thảo Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, từ năm 2018, phần lớn doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi sang dùng hóa đơn điện tử. Đây được đánh giá là một chính sách có tác động lớn tới cộng đồng DN.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện các DN đang sử dụng hai hình thức hóa đơn: hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử (HĐĐT). Trong đó, DN chủ yếu sử dụng loại hóa đơn giấy tự in theo mẫu hoặc mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Số lượng hóa đơn giấy của toàn nền kinh tế hiện nay ước tính tới hơn 4 tỉ hóa đơn.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính từ năm 2018 phần lớn DN phải chuyển đổi sang dùng HĐĐT |
HĐĐT đang được áp dụng thí điểm ở một số DN, tập đoàn lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM với hai hình thức là hóa đơn do DN tự tạo và phát hành theo Thông tư 32/2011/TT-BTC và HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến năm 2016, cả nước có 843 DN đã sử dụng HĐĐT do DN tự phát hành với số lượng hơn 377 triệu hóa đơn và có khoảng 315 DN sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế với số lượng hơn 2,4 triệu hóa đơn.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc áp dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy sẽ giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho DN như chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn; giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn như đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán, kế toán, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh cho DN.
Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT còn giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn bởi HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khó làm giả.
Mặc dù đánh giá cao mục tiêu hướng đến của việc áp dụng HĐĐT, tuy nhiên, cộng đồng DN cũng bày tỏ nhiều lo ngại, như tác động lớn đến hoạt động của DN; nhiều ngân hàng, khách hàng quốc tế vẫn yêu cầu có hóa đơn giấy trong giao dịch; thời gian chuyển đổi quá ngắn, yêu cầu bảo mật thông tin cho DN, cũng như hạ tầng kỹ thuật của cơ quan thuế có khả năng đáp ứng được yêu cầu phục vụ với một số lượng hóa đơn rất lớn như hiện nay của nền kinh tế hay không?
Dự kiến lộ trình áp dụng HĐĐT theo dự thảo Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) của Bộ Tài chính: Đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng HĐĐT (theo Thông tư 32) hoặc HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng HĐĐT đang áp dụng. Đối với DN có rủi ro cao về thuế thì phải sử dụng HĐĐT từ ngày 1-1-2018. Đối với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính: Từ ngày 1-7-2018 sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thế hoặc HĐĐT do DN tự phát hành (nếu đáp ứng đủ điều kiện). Đối với DN, tổ chức kinh tế đang mua hóa đơn của cơ quan thuế: Từ ngày 1-7-2018 sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. DN, tổ chức kinh tế trước 2018 sử dụng hóa đơn đặt in, trong năm 2018 tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in và Tổng cục Thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Trường hợp đủ điều kiện thì áp dụng HĐĐT do DN tự phát hành. |
Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế: Cần quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT Hiện có 8 DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, gọi là 8 nhà T-Van. Đây là tổ chức hợp pháp kết nối giữa máy tính DN và hệ thống dữ liệu thuế quốc gia. Do đó, trách nhiệm của các tổ chức T-Van này rất lớn, cần được kiểm tra đảm bảo chắc chắn an toàn và khả năng cao về công nghệ, quản lý. Vấn đề trách nhiệm của các nhà T-Van cũng cần được đề cập trong Nghị định về hóa đơn. Ngoài ra hiện nay DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ T-Van thì phải trả phí (theo thời gian hoặc theo số lượng). Để đảm bảo DN không bị ép giá, Nhà nước cần minh bạch và thống nhất giá dịch vụ, không để các T-Van tự do đặt giá cả khi có nhiều DN sử dụng dịch vụ mà số lượng T-Van thì ít. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ giá phí thấp, hoặc miễn phí 1-3 năm đối với DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp và DN chuyển từ hộ kinh doanh cá thể phù hợp với quy định của Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai: Tránh nóng vội chỉ hướng đến mục tiêu mà bỏ qua các điều kiện nền móng cho sự thành công như: chọn mô hình triển khai phù hợp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cung cấp giải pháp đồng bộ và cơ sở dữ liệu tập trung... Đồng thời phải có lộ trình hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực cho DN. Lộ trình chuyển đổi ít nhất là 12 tháng để DN chuẩn bị và thích nghi, không phạt khi sử dụng song song hóa đơn giấy. Ông Hoàng Đức Huy - Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen: Hiện nay nhiều DN sử dụng phần mềm quản lý tiên tiến của thế giới như SAP, ORACLE. Đây là những phần mềm quản lý mua, bán, nhập, xuất tồn kho và kế toán. Khi xuất bán hàng hóa hoặc dịch vụ thì phần mềm cũng xuất hóa đơn kèm theo. Với Dự thảo của Bộ Tài chính về HĐĐT thì DN phải có một phần mềm hóa đơn riêng biệt với phần mềm kế toán, làm cho những DN sử dụng những phần mềm tiên tiến như trên gặp khó khăn. |
Mai Phương