“Chảy máu” nhân tài âm nhạc hàn lâm
Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế cùng hào quang của showbiz đang khiến danh xưng “ca sĩ” trở nên “có giá”. Thế nhưng, vị trí của một nền âm nhạc không phụ thuộc vào số lượng ca sĩ nhạc nhẹ hay bài “hit” mà thuộc về âm nhạc hàn lâm - loại hình âm nhạc thường bị “bỏ rơi” trong thị trường ca nhạc hiện nay.
Sự “lép vế” của âm nhạc hàn lâm
Trong đời sống âm nhạc hiện nay, không khó để nhận ra sự “lép vế” của âm nhạc hàn lâm, khi mà vị trí thống lĩnh đang thuộc về các ca khúc nhạc nhẹ và các ca sĩ đại chúng. Nếu những liveshow âm nhạc giải trí liên tục “đắt show”, thậm chí thường xuyên cháy vé thì những buổi hòa nhạc thính phòng của cả một dàn nhạc hoành tráng thi thoảng mới được tổ chức vẫn thưa vắng khán giả, thậm chí trống chỗ ngay cả ở những hàng ghế khách mời. Sau hai cuộc thi quốc gia “Âm nhạc mùa thu” năm 1990 và năm 1993, cho đến nay vẫn chưa tổ chức được cuộc thi thứ ba.
Một tiết mục trong chương trình “Giai điệu mùa thu” 2017 |
Thực tế cho thấy, chưa khi nào chúng ta thiếu vắng tài năng âm nhạc, có thể kể tới Bùi Công Duy, Dương Văn Thắng, Dương Minh Chính, Nguyễn Công Thắng (violon), Nguyễn Bích Trà, Trinh Hương (piano), Lê Phi Phi (chỉ huy)... Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc âm nhạc hàn lâm đang tồn tại thực trạng “chảy máu chất xám”. Bởi cho đến thời điểm này, chỉ có số ít người như Bùi Công Duy, Trinh Hương chọn quê hương làm nơi lập nghiệp của mình sau một thời gian dài học tập ở nước ngoài. Còn lại, hầu hết những tài năng âm nhạc khác đều sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Nguyên nhân của thực trạng này là trong nước chưa có “đất diễn” dành cho các nghệ sĩ thể hiện và cống hiến tài năng, khi số lượng những buổi biểu diễn hoành tráng chỉ đếm trên đầu ngón tay như “Giai điệu mùa thu”, “Luala concert”, “Hòa nhạc Henesssy”...
Để “khơi” lại sự chú ý đối với âm nhạc hàn lâm, thời gian qua, có nhiều nhà hát đã phải chủ động đưa âm nhạc bác học đến với công chúng. Có thể kể đến “Luala Concert”, dự án cộng đồng thu được nhiều thành công khi mang những bản opera, nhạc giao hưởng thính phòng xuống đường phố. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhạc Vũ Kịch TP HCM cũng đưa âm nhạc hàn lâm vào những vở nhạc kịch, vũ kịch, đồng thời đưa dàn nhạc đi biểu diễn ở các trường đại học. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đạt được hiệu quả đột phá như mong đợi của ban tổ chức sự kiện.
Tài năng “rủ nhau” thành ca sĩ
Có một thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ có năng khiếu âm nhạc chỉ mong trở thành ca sĩ chứ không hề nghĩ tới chuyện trở thành nghệ sĩ nhạc thính phòng. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi hình ảnh của giới giải trí được phô diễn từng giờ trên nhiều trang mạng và truyền hình. Thế nên, với đại đa số công chúng Việt, âm nhạc chỉ đồng nghĩa với ca hát - ca sĩ. Vì thế, không ít bạn trẻ tìm đến âm nhạc chỉ để biết hát và trở thành ca sĩ.
Sự đãi ngộ đối với những nghệ sĩ nhạc hàn lâm chỉ ở mức “bèo bọt”, không đủ trang trải cho cuộc sống cũng như làm nghề. |
Tại Nhạc viện TP HCM, Giám đốc Nhạc viện Văn Thị Minh Hương cho biết, số học viên đang theo đuổi ngành piano với 3 hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học tại đây cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số học viên thanh nhạc (hệ ngắn hạn trung cấp). Đó là chưa kể trong quá trình đào tạo, học viên piano tiếp tục rơi rụng dần vì tương lai mờ mịt!
Trong khi đó, sự đãi ngộ đối với những nghệ sĩ nhạc hàn lâm chỉ ở mức “bèo bọt”, không đủ trang trải cho cuộc sống cũng như làm nghề. Hiện nay, mức lương của giảng viên ở Nhạc viện TP HCM thuộc hàng cao nhất. Ngoài khoản lương tháng, mỗi buổi diễn, giảng viên sẽ được nhận 100.000 đồng, thù lao cho một buổi tập là 50.000 đồng. Với những chương trình lớn, nghệ sĩ sẽ được nhận mức thù lao 700.000 đồng (cho diễn và tập). Với tần suất diễn 4 chương trình/tháng, nghệ sĩ thường được nhận 1,4 triệu đồng, trong khi chỉ huy dàn nhạc được nhận thù lao gấp đôi là 2,8 triệu đồng. Trong khi đó, với các giảng viên Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, tổng thu nhập của một nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng khoảng 1,2 tỉ đồng/năm (trừ các chi phí sinh hoạt thường ngày).
Ngoài ra, theo Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSƯT Bùi Công Duy, chính sách cho cả thầy và trò trong lĩnh vực đào tạo tài năng âm nhạc hàn lâm vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, mỗi học sinh tài năng đi thi quốc tế mà được giải, khi về sẽ được tặng thưởng ngay 10.000USD, nhưng ở Việt Nam, các gia đình đang có con theo học nghệ thuật buộc phải tự hy sinh về tài chính, thời gian và cả tâm sức.
Bao giờ nhạc hàn lâm Việt mới phát triển xứng tầm với kỳ vọng của những nghệ sĩ làm nghề? Thật khó trả lời.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: "Thời gian qua, tuy dòng âm nhạc hàn lâm được chăm chút đầu tư tài lực của giới chuyên môn, nhưng vẫn lặng lẽ, khiêm nhường và chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vốn chỉ biết nhiều đến loại hình ca hát giải trí”. |
Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ: Đối tượng của đề án là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước thuộc 7 lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc và Sáng tác văn học. Trong giai đoạn từ 2017 đến 2021, học sinh, sinh viên thuộc đề án này ngoài việc học trong nước, hằng năm, đề án cử trung bình 5 tài năng ở mỗi lĩnh vực đi thực tập ngắn hạn (không quá 6 tháng) ở nước ngoài. Từ năm 2021 trở đi phấn đấu hằng năm chọn 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc (thuộc 7 lĩnh vực) cử đi đào tạo cao cấp ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, bên cạnh việc tích cực xây dựng các nhà hát, tổ chức các dàn nhạc… thì việc tạo cho công chúng thói quen nghe nhạc và nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cũng là điều các nhà quản lý cần lưu tâm. |
Khánh An