Bộ Công Thương ban hành thông tư hướng dẫn về dự án điện mặt trời
(PetroTimes) - Ngày 12/9, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời do vị trí địa lý nằm gần xích đạo, cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,5 - 5,5 kWh/m2/ngày. Nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030, cụ thể: tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Thông tư của Bộ Công Thương sẽ "cởi trói" cho các dự án điện mặt trời. |
Để đạt được các mục tiêu này, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 11). Thực hiện Quyết định số 11, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Thông tư gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định cụ thể về: Quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; Giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư gồm: Nội dung đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh; Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới; Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà.
Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.
Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá nêu trên. Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... theo quy định hiện hành.
Việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn về điện mặt trời đã giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, được ví như một hành động "cởi trói", thúc đẩy đầu tư phát triển cho các dự án điện mặt trời, bảo vệ môi trường quốc gia và phát triển kinh tế bền vững.
Tùng Dương