Chuyện về 4 liệt sĩ Nhà máy Điện Thái Nguyên
Câu chuyện về 4 liệt sĩ Nhà máy Điện Thái Nguyên (nay là Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn) qua lời kể của những đồng nghiệp của họ đã tái hiện quá khứ hào hùng bảo vệ dòng điện quê hương trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Máu, xương hòa vào lòng đất mẹ
Chúng tôi về Thái Nguyên vào một ngày trời mưa xối xả và được ông Đào Vũ Định, 76 tuổi, bạn học, đồng nghiệp của liệt sĩ Ngô Đức Quế, công nhân quản lý đường dây, Nhà máy Điện Thái Nguyên kể lại những ngày tháng bảo vệ dòng điện sáng trong những năm tháng chiến tranh.
“Quãng thời gian chúng tôi cùng làm việc trong ngành điện cũng chính là giai đoạn giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968). Do nằm ở vị trí quan trọng, lại ở thế “phơi mình” giữa trời, với 3 phía là cánh đồng, nên Nhà máy Điện Thái Nguyên là mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn |
Có những ngày, máy bay Mỹ dội bom đến vài lần, anh em công nhân dầu mỡ nhem nhuốc, nhưng lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu bắn trả máy bay địch. Và chỉ vừa ngớt tiếng bom, chúng tôi lại tiếp tục công việc, như không có chuyện gì xảy ra.
Ngày ấy, anh Quế trạc tuổi tôi, người huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trước khi chuyển sang nhà máy, anh làm việc cho một đơn vị quân đội. Ngày 22-6-1966, chúng tôi được giao nhiệm vụ thay thế những cột điện bị bom Mỹ phá hỏng tại khu vực sân Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên bây giờ. Anh em đang khẩn trương làm việc thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom, bắn rốc két đúng chỗ anh Quế.
Tiếng bom nổ kèm theo tiếng rốc két làm đinh tai, nhức óc, đất đá bay lên mù mịt... 15 phút sau, khi máy bay Mỹ rút, chúng tôi vội vàng đi tìm đồng đội, nhưng tìm khắp mà không thấy anh Quế đâu. Anh đã hy sinh, thịt xương anh đã hòa vào lòng đất mẹ…”. Lau những giọt nước mắt trên má, ông Định bồi hồi nhớ lại.
Ông Định còn kể cho chúng tôi nghe về tấm gương hy sinh anh dũng của ông Nguyễn Đình Xô, sinh năm 1939, quê ở Kim Thành, Hải Dương, nguyên là công nhân cơ khí, sau chuyển sang quản lý bếp ăn của Nhà máy Điện Thái Nguyên.
“Cuối tháng 12-1972, máy bay Mỹ đã ném bom bắn phá nhiều khu vực trong thành phố Thái Nguyên, nhưng chưa bắn phá nhà máy điện. Tối hôm ấy, tôi lên gặp anh Xô tại khu vực hầm trú ẩn cách nhà máy khoảng 300m, xin phép anh hôm sau không đến nhà bếp mà đi chợ mua thực phẩm. Ân cần mời tôi uống nước, anh vui vẻ khoe: “Tôi và anh em vừa hoàn thành hầm trú ẩn cho những người bảo vệ nhà máy và đêm nay sẽ ở lại trực theo phân công”.
Thắp chiếc đèn bão mới mua, anh Xô đưa tôi xuống tham quan hầm trú ẩn. Nhìn những cây tre còn tươi và vững chắc, tôi thấy yên tâm, nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn cầu nguyện cho những người trực tại nhà máy sẽ không phải chạy xuống hầm trú ẩn và máy bay Mỹ sẽ không ném bom xuống nhà máy nữa. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó, máy bay Mỹ lại ném bom dữ dội vào khu vực nhà máy và anh Xô đã hy sinh”.
Hy sinh cho dòng điện
Trong những công nhân Điện đã hy sinh vì Nhà máy điện Thái Nguyên, có 2 người phụ nữ nghị lực, can trường, quyết tâm bám máy, bám lò, đảm bảo vận hành dây chuyền sản xuất tốt nhất, góp phần cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Năm, nguyên là công nhân vận hành lò hơi thuộc Phân xưởng Vận hành lò nhà máy kể: “Tôi rất nhớ trận máy bay Mỹ ném bom ngày 24-5-1972, đồng đội của tôi đã hy sinh. 10 giờ sáng, Giám đốc nhà máy Nguyễn Công Bằng nhận định, hôm nay có thể máy bay Mỹ sẽ ném bom, anh em công nhân phải khẩn trương sơ tán, chỉ để lại kíp trực tại nhà máy. 11 giờ trưa, loa phóng thanh của nhà máy thông báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Thái Nguyên 60km. Lực lượng vũ trang về vị trí chiến đấu, mọi người nhanh chóng ra hầm trú ẩn”. Tôi và mọi người xung quanh nhanh chóng chạy xuống hầm.
Ít phút sau, phi đội máy bay B52 của Mỹ dội bom hạng nặng, có sức tàn phá kinh khủng xuống Nhà máy Điện Thái Nguyên, làm cho nhà máy bị tê liệt hoàn toàn. Đặc biệt, bom Mỹ rơi đúng kho than bột. Kho than này có chiều cao 24m, nhiệt độ của than bột đang cháy ở 160oC. Sau khi bị đánh bom, than chảy ra sàn nhà, tạo thành một lớp dày 20-30cm, gặp không khí ngoài trời, than càng cháy dữ hơn.
Khi máy bay Mỹ vừa “cuốn xéo”, chúng tôi vội chạy vào nhà máy, khẩn trương cấp cứu những người bị thương. Khó khăn lớn nhất khi tiếp cận hiện trường là sàn nhà có lớp than dày vẫn còn cháy. Lúc đó, chị Hà Thị Tiến, sinh năm 1948, quê thành phố Vinh, Nghệ An, đang trực tại bảng điều khiển hệ thống lò hơi. Chúng tôi phải men theo tường rồi nhảy lên thiết bị, lao vào cứu chị Tiến. Tuy nhiên, khi vào tới nơi, chị đã hy sinh ngay trên bàn làm việc cùng đứa con đang mang trong bụng, nhiều mảnh bom găm vào cơ thể.
Cũng tại khu vực này, chị Phạm Thị Vụ, sinh năm 1941, quê Yên Thành, Nghệ An, làm việc cùng chị Tiến cũng bị bỏng rất nặng. Chúng tôi nhanh chóng đưa chị đi cấp cứu, nhưng do vết bỏng quá nặng, chị đã không qua khỏi” - ông Năm chia sẻ.
Câu chuyện xúc động về 4 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi đang làm việc tại Nhà máy Điện Thái Nguyên có lẽ chưa nói hết được sự khắc nghiệt và tàn bạo của cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhưng đủ để những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình có thể cảm nhận được tình yêu nghề của những người thợ điện Việt Nam, luôn coi “dòng điện như dòng máu của cơ thể mình”.
Thanh Huyền