Sức mạnh quản lý
Nghe nói, sau khi tiếp nhận 21ha đất từ Bộ Quốc phòng, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng với khoản đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng và thực thi trong 3 năm.
Khi đó, công suất hiện hữu từ 28 triệu hành khách/năm lên 42-45 triệu, góp phần giải tỏa tình trạng bức bách trong khi chờ đợi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Thế nhưng như một phát kiến bất ngờ khi nhiều người nhận được thông tin về một biện pháp ít tốn kém nhằm nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi, chỉ trong thời gian 6 tháng.
Người đề xuất ra giải pháp này không xa lạ gì, chính là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, 1 trong 15 thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Theo ông Vinh, có hai việc cần đồng thời thực hiện để nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất là mở rộng, sửa chữa, cải tạo sân bay, nhà ga, đường giao thông; Thứ hai là soát xét lại quy trình vận hành quản lý sân bay. Việc thứ nhất thì ai cũng biết rồi, tốn tiền của, tốn thời gian... không biết bao nhiêu mà kể, trong khi sức ép quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất đang đè nặng lên tâm khảm người dân TP HCM từng giây, từng phút.
Còn việc thứ hai thì sao? Ông Bùi Quang Vinh cho rằng, biện pháp cần làm ngay lúc này là phải xem xét lại toàn bộ quy trình vận hành quản lý Sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại, tần suất cất hạ cách tại sân bay này là 5-7 phút/chuyến. Nếu kéo giảm xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm (từ mức 25 triệu lượt khách/năm của hiện tại) mà không cần đầu tư nhiều.
Đồng thời, ông Vinh còn chỉ ra rằng, hải quan cũng cần phải thay đổi cách làm việc. Theo ông, tình trạng người nước ngoài xếp hàng dài chờ nhập cảnh đang khiến nhà ga bị ùn tắc, hệ lụy là níu giữ tần suất cất hạ cánh tại sân bay này ở mức 5-7 phút/chuyến. “Tôi đến Kenya. Tôi tự nhập cảnh bằng phần mềm điện tử. Chỉ bấm là ra, đưa hộ chiếu vào là được nhập cảnh. Mình còn kém cả Kenya ở châu Phi. Sân bay Changi ở Singapore không quá rộng so với Tân Sơn Nhất, nhưng lượng khách họ gấp đôi, gấp ba của mình. Tại sao? Đấy là năng suất lao động, chất lượng quản lý” - ông khẳng định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi khi làm việc với Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA), Quản lý bay Việt Nam và Cảng hàng không Việt Nam (ACV): “Tần suất cất hạ cánh ở Việt Nam tương đối thấp là do quản trị, điều hành hay hạ tầng? Chúng ta hay nói đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người? Thủ tướng nói hãy hỏi lại các anh xem do hạ tầng hay con người? Liệu có thể nâng gấp đôi công suất gần 25 triệu khách mỗi năm của Tân Sơn Nhất không khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong Sân bay Long Thành?”. |
Thì ra, có một loại tài sản vô hình chưa được nhiều người quan tâm xưa nay, đó là khai thác khoa học quản lý để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.
Ngược lại dòng lịch sử sẽ thấy, loài người đã sản sinh ra nền tảng môn khoa học quản lý đã hàng trăm năm nay, mà đứng đầu là Frederick Winslow Taylor.
Có lẽ cũng nên dành ít dòng để nói về người được các học giả phương Tây mệnh danh là người cha của lý luận quản lý một cách khoa học này. Ông sinh ra trong một gia đình luật sư giàu có ở Mỹ. Bỏ học dở chừng, ông đi làm công nhân cơ khí. Do thông minh, cần cù, trong vòng chưa đầy 10 năm, ông đã trở thành đốc công, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư và tự học, thi đỗ bằng đại học kỹ thuật. Thông qua thực tiễn quản lý của mình, ông đã viết rất nhiều sách, trong đó có luận văn nổi tiếng “Chế độ trả lương theo số lượng sản phẩm”, mà sau này mọi người quen gọi là chế độ Taylor. Qua luận thuyết này, cả chủ và thợ đều phải nhận thức rằng, việc nâng cao năng suất lao động có lợi cho cả hai bên, do đó cần có cuộc “cách mạng tinh thần”, hợp tác với nhau, cùng nhau cố gắng.
Từ đó đến nay, khoa học quản lý được loài người hoàn thiện đến mức nếu không áp dụng nó, mọi nguồn lực dành cho phát triển đều ở trạng thái trì trệ, lãng phí hoặc bị hủy hoại.
Vậy quản lý là gì? Ta có thể hiểu nôm na rằng, quản lý là hệ thống các biện pháp của một tổ chức hoặc cá nhân đặt ra để điều hành công việc nhằm đạt được mục tiêu nhất định.
Còn theo TS Hàn Mạnh Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý: “Nhà quản lý là những người đang quán xuyến một phần hay toàn bộ công việc của một tổ chức, không phân biệt sản xuất hay dịch vụ, kinh doanh hay phi lợi nhuận, thuộc khu vực tư hay khu vực công, hành chính hay sự nghiệp. Nhà quản lý theo sát các diễn biến, dự liệu các tình huống, lựa chọn các mục tiêu, xây dựng các kế hoạch, thiết kế các cơ chế, tổ chức các quá trình, huy động các nguồn lực, điều phối các hoạt động, kiểm tra các công việc. Bằng hành vi của mình, nhà quản lý tạo nên và giữ gìn sự gắn kết đội ngũ, sức sống, sự thành đạt của mỗi tổ chức. Thực tiễn phát triển ở khắp các nước đã cho thấy nỗ lực của cộng đồng các nhà quản lý ở tất cả các cấp là nhân tố quyết định sự bền vững, sức cạnh tranh, sự phát triển và niềm kiêu hãnh của mỗi quốc gia”.
Tháng 8 này, nhà ga T4 của Sân bay Changi (Singapore) dự kiến sẽ đưa vào khai thác. Tổng năng lực xử lý của Sân bay Changi sẽ được tăng lên 82 triệu hành khách/năm, trung bình 90 giây/chuyến bay. Theo thiết kế, nhà ga T4 có sức chứa 16 triệu lượt khách mỗi năm. Hành khách có thể làm thủ tục check-in, ký gửi hành lý tự động nhanh gọn mà không cần tới sự hỗ trợ của nhân viên hàng không. |
Nguyễn Long Vân