Gian nan đưa điện ra đảo
Dù điều kiện thi công phức tạp, thường xuyên phải đối mặt với mưa gió, bão dông, nhưng những dự án đưa điện lưới quốc gia ra biển đảo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn liên tiếp vượt trùng dương, thắp sáng các đảo xa.
Chuyện ít biết
Khó có thể nói hết được những gian nan, thử thách mà EVN cũng như các đơn vị thi công phải đối mặt khi triển khai các dự án đưa điện lưới quốc gia đến với biển đảo. Đó là sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển; điều kiện thi công phức tạp; là những khó khăn khi vận chuyển nguyên, vật liệu… Có những dự án, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10m ở mép đảo, vách núi dựng đứng; hay có những thời điểm, đang thi công thì bão, áp thấp nhiệt đới ập đến…
Điển hình, khi Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) triển khai Dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công phải thực hiện trong điều kiện gió lớn cấp 5 trở lên. Không ít lần đang thi công, anh em kỹ sư, công nhân phải khẩn trương di chuyển các thiết bị như búa đóng cọc, trạm trộn bê tông… vào bờ tránh sóng.
Thậm chí, có những thời điểm biển động liên tục làm cho tiến độ cứ “dậm chân tại chỗ”. Do đó, khi điều kiện thời tiết cho phép, các đơn vị thi công đã phải tăng cường lực lượng, làm việc bất kể ngày đêm, bắt kịp tiến độ.
Công nhân Điện lực Quảng Ninh thực hiện các thao tác chuẩn bị đóng điện cho xã đảo Cái Chiên |
Đó là chưa kể, vùng biển ven bờ tỉnh Kiên Giang là khu vực hoạt động của rất nhiều tàu thuyền khai thác hải sản, nên công tác đảm bảo an toàn hàng hải, cảnh giới thi công cũng khá phức tạp. Đã có không ít lần xảy ra các vụ va chạm giữa tàu thuyền của ngư dân và công trường đang thi công làm hư hỏng móng trụ, khiến thời gian thi công kéo dài.
Hay khi công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc sắp cán đích thì xảy ra sự cố do một đoạn cáp ngầm bị lỗi (có bọt khí trong dây cáp). Đáng nói, cáp ngầm được chôn sâu dưới đáy biển 2m, nặng hàng nghìn tấn, việc đưa lên khỏi mặt nước để xử lý sự cố là rất phức tạp. Để chạy đua với thời gian, hàng chục kỹ sư và chuyên gia nước ngoài đã được huy động, làm việc 3 tuần liền mới xử lý xong sự cố, kịp thời đóng điện đúng vào dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Xẻ đá đặt cáp
Đến bây giờ, ông Ngô Minh Vương - Chỉ huy trưởng thi công phần cáp ngầm (thuộc Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương) vẫn không thể quên quá trình thực hiện Dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Việc rải cáp được thực hiện bắt đầu từ đảo Cù Lao Chàm về đất liền là cửa biển Hội An. Tuy nhiên, khi sà lan chở cáp tiếp cận điểm cuối đường cáp biển phía Cù Lao Chàm lại gặp khó khăn, do cấu tạo địa chất bờ biển có nhiều khối đá lớn.
“Để đặt cáp, đơn vị thi công phải huy động xe chuyên dụng cắt, xẻ từng phiến đá để tạo thành rãnh đặt cáp. Máy cắt đá hoạt động liên tục, hàng chục thợ lặn dầm mình trong nước sâu và nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng được huy động để phục vụ việc dọn đường đưa cáp xuống đáy biển”, ông Vương cho hay.
Còn ở Dự án Cái Chiên (Hải Hà, Quảng Ninh), mặc dù chỉ phải rải 2,5km cáp ngầm dưới đáy biển, kéo điện lưới từ đảo Vĩnh Trung (TP Móng Cái) sang đảo Cái Chiên, nhưng việc thi công lại gặp rất nhiều trở ngại, do khu vực cáp ngầm đi qua luồng lạch vào khu công nghiệp cảng biển Hải Hà có dòng nước chảy xiết (nhiều thời điểm, vận tốc dòng chảy lên tới 6km/h). Ngoài ra, toàn bộ nền địa chất dưới đáy biển và 2 điểm cáp tiếp xúc với bờ đều là đá ngầm lồi lõm. Vì vậy, thay vì dùng máy thổi áp lực cao, tạo rãnh và chôn cáp, đơn vị thi công phải xẻ đá và chèn các rọ đá bảo vệ lên trên…
Và có lẽ, với các dự án đưa điện ra đảo, không thể không kể đến khó khăn khi vận chuyển nguyên liệu, vật tư. Điển hình là Dự án đưa điện lưới quốc gia ra 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Do địa hình và địa chất của các đảo khá phức tạp với sườn núi dốc, vách núi gần như dựng đứng sát mép biển, có nhiều khoảng vượt biển lớn và cách xa đất liền, nên nhà thầu phải tính con nước mới có thể vận chuyển được khối lượng vật tư, vật liệu khổng lồ gồm 21 trạm biến áp, gần 800 cột trung thế và hơn 1.500 cột hạ thế… đến các vị trí trên 5 đảo, để triển khai dự án…
Mai Anh