Hồi sinh du lịch biển miền Trung
Theo báo cáo từ các địa phương, những tháng đầu năm 2017, tăng trưởng du lịch tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An trở vào đến Đà Nẵng đều ở mức 2 chữ số, trong đó du lịch biển chiếm tỷ trọng cao.
Hút khách trở lại
Theo Sở VH-TT&DL Quảng Bình, sau sự cố môi trường biển vào giữa tháng 4-2016, du lịch 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình gần như “tê liệt”. Bãi biển, nhà hàng, khách sạn... vắng tanh không một bóng người. Từ chỗ thu hút hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm, thì năm 2016, khách du lịch đến Quảng Bình, nhất là du lịch biển chỉ còn chưa tới 10%.
“Thế nhưng sau khi khắc phục triệt để, ngành du lịch của tỉnh đã “hồi sinh” mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, Quảng Bình đón hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015 (khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển - PV). Điều đáng mừng là hầu hết du khách sau khi thăm thú hang động ở miền rừng thì đều trở về miền biển để nghỉ ngơi, tắm biển, thưởng thức hải sản Quảng Bình.
Khách du lịch đến biển Nhật Lệ, Quảng Bình |
Theo Sở VH-TT&DL Quảng Bình, các điểm đến mới trong hành trình kết hợp loại hình du lịch biển - khám phá hang động thu hút khách như: Thung lũng Hamađa - hang Trạ Ang, khám phá động Thiên Đường - Giếng Trời, hồ Yên Phú, khu thể thao dưới nước Chày Lập, bãi tắm Đá Nhảy, Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Ninh...
Không chỉ Quảng Bình, tại Hà Tĩnh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong sự cố môi trường biển năm 2016 ngành du lịch biển cũng có sự tăng trưởng đột biến. Chỉ tính riêng tại biển Thiên Cầm, lượng khách nửa đầu năm 2017 tăng gấp 3,5 lần so với mùa du lịch năm 2016, đạt 130.000 lượt.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, ông Bùi Xuân Thập cho biết: Từ đầu năm đến ngày 30-6-2017, Hà Tĩnh đã đón 790.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Con số này tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 65,8% so với kế hoạch năm 2017. “Đây là con số quá ấn tượng đối với ngành du lịch Hà Tĩnh. Tổng thu từ du lịch đạt 234 tỉ đồng, nộp ngân sách 23,4 tỉ đồng”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh nói.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, lượng khách đến tỉnh này trong 6 tháng qua tăng gần 14%, ước đạt gần 950.000 lượt. Việc mở tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ cũng đã góp phần thu hút hàng nghìn lượt khách đăng ký tham quan. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao cho biết, 6 tháng đầu năm lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1.750.000 lượt, tăng 1,9%; trong đó có 414.500 lượt khách quốc tế, tăng 6,76%. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt 1.735 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Tìm mũi nhọn để đột phá
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để thu hút khách trở lại với du lịch miền Trung, ngay từ cuối năm 2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức 2 đoàn khảo sát tới các điểm du lịch chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan để tìm biện pháp khắc phục. Với những hoạt động đón khách trong thời gian gần đây cho thấy sự hồi phục nhanh chóng của du lịch biển miền Trung, đồng thời là cơ sở để những người làm du lịch tin rằng, du lịch miền Trung đang đi đúng hướng.
Trong việc hút khách du lịch trở lại các tỉnh miền Trung, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, bản thân chính quyền các tỉnh này cũng đã tập trung chỉ đạo vừa phục hồi sau sự cố môi trường vừa phải phát huy thế mạnh trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm tạo đột phá.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã cơ cấu, làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, từ đó tạo niềm tin cho du khách, thu hút và giữ chân du khách” - một chuyên gia du lịch nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, thời gian qua, nhiều khu du lịch biển đã được quy hoạch và đầu tư phát triển như bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đã tạo một sức bật mới, mũi nhọn mới cho phát triển du lịch biển miền Trung.
An An