EVNNPC đảm bảo cấp điện mùa mưa bão (Kỳ 2)
Một trong những nguyên tắc đầu tiên trong việc đảm bảo an toàn cấp điện mùa mưa bão của ngành điện là ở những vùng bị ngập, các đơn vị điện lực phải kiểm tra độ an toàn của từng nhà dân mới có thể đóng điện trở lại.
EVNNPC đảm bảo cấp điện mùa mưa bão (Kỳ 1) |
Kỳ 2: An toàn mới cấp điện trở lại
Trong 27 tỉnh miền Bắc thì Lào Cai là tỉnh miền núi hằng năm hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Mùa đông thì có băng tuyết, độ ẩm cao; mùa hè thì thường xuyên bị mưa lũ, xói lở đất, lũ quét… Địa hình nơi đây cũng nhiều đồi núi hiểm trở, chia cắt, dân cư sống thưa thớt trên các đồi núi cheo leo…
Để quản lý được trên địa bàn rộng và đường sá đi lại khó khăn như vậy, trước mùa mưa bão hằng năm, Công ty Điện lực Lào Cai (PC Lào Cai) đều phải kiểm tra tổng thể lưới điện nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ sạt lở, cháy nổ. Đồng thời xử lý ngay các tồn tại, khiếm khuyết không đảm bảo an toàn đến móng cột điện, nhất là các móng cột ở vị trí có nguy cơ sụt lở, đào mương tránh nước mưa xói lở vào chân cột điện. Hay xem xét an toàn các mối nối, tiếp xúc để có biện pháp xử lý sớm và hạn chế ảnh hưởng đến quá trình quản lý vận hành.
Khắc phục sự cố lưới điện sau mưa bão ở Điện lực Bát Xát (Lào Cai) |
Theo ông Trần Văn Bằng - Phó giám đốc PC Lào Cai, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước, cung cấp điện ổn định cho nhân dân và các phụ tải, PC Lào Cai đã thường xuyên chủ động xây dựng các phương án đảm bảo lực lượng tại chỗ, chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, con người tại chỗ.
Còn theo ông Nguyễn Kỳ Quang - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Sa Pa (thuộc EVNNPC), đơn vị là chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm Toóng, để chủ động phòng chống tác động do thiên tai gây nên, ngay từ khâu khảo sát địa điểm xây dựng dự án, tư vấn đã phải tính toán kỹ với những tác động của thiên tai, bão lũ hay lựa chọn phương án tối ưu là tuyến năng lượng đưa vào trong hầm để hạn chế thấp nhất các thiệt hại.
Theo ông Quang, hiện nay, mặc dù toàn bộ các cụm công trình chính của Thủy điện Nậm Toóng đã hoàn thành, dự kiến đến cuối tháng 9-2017 bắt đầu tích nước và vận hành chạy thử nhà máy, nhưng từ cuối tháng 3 năm nay, EVNNPC đã tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình vận hành, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại công trình thủy điện này. Qua kiểm tra, tổng công ty yêu cầu Công ty Thủy điện Sa Pa có kế hoạch diễn tập công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án ứng phó kịp thời, phân luồng, xả lũ tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình và thường xuyên theo dõi mực nước hồ lên cao vào thời điểm tích nước. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, thực hiện kế hoạch xả nước, chế độ báo cáo về quan trắc, báo cáo về đảm bảo dòng chảy tối thiểu, chế độ tài nguyên nước…
Nói thêm về vấn đề an toàn trong quản lý, vận hành lưới điện, Phó tổng giám đốc EVNNPC Hồ Mạnh Tuấn thông tin: Thời gian gần đây, trên địa bàn EVNNPC quản lý đã xuất hiện hiện tượng nhiều khách hàng có máy phát điện. Trong thời gian diễn ra bão lũ, khi ngành điện chưa kịp cấp điện thì người dân đã dùng máy phát điện diesel phát ngược lên lưới, gây nguy hiểm cho công nhân khắc phục sự cố. Về nguyên tắc, ở những vùng bị ngập, các đơn vị điện lực phải kiểm tra độ an toàn của từng nhà dân mới có thể đóng điện trở lại.
“Mặc dù mục tiêu được EVNNPC đề ra là phải khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra nhưng trong mọi tình huống vẫn phải đặt sự an toàn cho người lên trên hết. Mùa mưa bão vẫn đang diễn ra, tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các công ty cổ phần thủy điện có vốn chi phối của tổng công ty tăng cường cảnh báo hạ du để đảm bảo an toàn cho quá trình vận hành, xả lũ cũng như đảm bảo an toàn cho tài sản, con người khu vực hạ du” - ông Hồ Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước, cung cấp điện ổn định cho nhân dân và các phụ tải, PC Lào Cai đã thường xuyên chủ động xây dựng các phương án đảm bảo lực lượng tại chỗ, chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, con người tại chỗ. |
Hà Lê