Nỗ lực vì một Chính phủ kiến tạo
Mới đây, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 đã diễn ra với sự có mặt của gần 1.000 doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự.
Trước khi bắt đầu cuộc đối thoại Ban Tổ chức đã đưa ra một câu hỏi khảo sát đối với Khối Doanh nghiệp tư nhân: “Trong thông điệp của Chính phủ là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo và Chính phủ hành động, bạn chọn thông điệp nào?”. Kết quả, các doanh nghiệp tư nhân có tới 65% chọn tiêu chí Chính phủ hành động, 24% mong muốn Chính phủ liêm chính và 11% chọn tiêu chí Chính phủ kiến tạo.
Vậy Chính phủ kiến tạo là gì? Và tại sao lại có tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm hạn hẹp như vậy?
Thực ra, khái niệm Chính phủ kiến tạo không mới mà trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã nói, nhưng bây giờ được nhiều người quan tâm và nhấn mạnh nhiều hơn. Đặc biệt, trong thông điệp đầu năm 2014 của Chính phủ đã chuyển tải rất cụ thể về vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển. Dưới đây xin trích đăng vài đoạn:
“Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân, mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội...”.
“Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”.
“Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước”.
“Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao...”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:“Chính phủ đặt tiêu chí là hành động hàng đầu, đưa kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tổ chức 5 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, tính ra là không ngày nào Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp về chủ đề doanh nghiệp. Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp có xu hướng cải thiện rõ nét”. |
Thông điệp ấy đã trải qua gần 4 năm, thế nhưng đến nay, những mong muốn ấy vẫn ngổn ngang, dang dở... Chẳng nói đâu xa, chỉ cần soi xét một mục tiêu “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” thì đã thấy vô cùng nan giải rồi.
Chẳng hạn, mới đây Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho biết, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ, có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Y tế tăng 3 cục…
Tình trạng lạm phát “cấp phó” vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ đang ngày càng phổ biến. Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4; Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5. Ở Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2…
Và một điều dễ hiểu rằng, một bộ máy hành chính càng cồng kềnh, nhiều tầng nấc bao nhiêu thì tình trạng “hành” doanh nghiệp càng có cơ hội xảy ra bấy nhiêu. Chẳng thế, tại cuộc họp mới đây, khi biết còn tồn tại tới 5.700 giấy phép con, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.
Chính vì thế mà các doanh nghiệp nhấn mạnh thông điệp Chính phủ hành động cũng là điều không có gì lạ.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu hiểu kiến tạo là tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân từ khởi sự đến làm ăn thuận lợi, thì có lẽ chưa đầy đủ. Nội hàm kiến tạo của mỗi tổ chức có nhiều chiều cạnh, đủ năng lực, đủ minh bạch, đủ khả năng giải trình và có đủ khả năng tạo ra tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Chính sách tốt gồm từ tư duy, tầm nhìn, thiết kế thực thi, và như vậy phải rất chuyên nghiệp...
Nhà nước kiến tạo: Liêm chính và hành động Nhà nước kiến tạo có hai thuộc tính là liêm chính và hành động, trong đó “liêm chính” có nghĩa là công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Còn “hành động” là điều kiện để biến các chủ trương, cam kết của Nhà nước thành các kết quả kiến tạo cụ thể, có sức sống trong thực tiễn. Các nhà khoa học cũng đã chỉ rõ các nhiệm vụ chính của Nhà nước kiến tạo là thay đổi triệt để từ tư duy đến phương thức điều hành. Củng cố năng lực thể chế nhà nước. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và phát huy dân chủ để đưa Nhà nước đến gần dân hơn. Và để thực hiện được những nhiệm vụ này cần sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó nhiệm vụ tiên phong thuộc về bộ máy hành pháp. |
Nguyễn Long Vân