Cẩn trọng nước chạy thận!
Theo thông tin từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), sau sự cố xảy ra liên quan đến việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong, Viện đã tiếp nhận và xét nghiệm miễn phí các mẫu nước chạy thận nhân tạo cho 41 bệnh viện của 25 tỉnh, thành phố có khoa/đơn nguyên thận nhân tạo.
Các mẫu nước do các bệnh viện gửi xét nghiệm gồm nước đầu nguồn (trước khi lọc thô; nước RO (nước trực tiếp cho chạy thận nhân tạo) và nước sau rửa quả lọc dùng trong chạy thận nhân tạo.
Và những con số khó tưởng tượng đã hiện ra.
Với các mẫu nước đầu nguồn, kết quả xét nghiệm phát hiện có 22/31 mẫu (chiếm 70% mẫu) không đạt các tiêu chuẩn; trong đó 2 bệnh viện không đạt độ pH, 2 bệnh viện không đạt chuẩn độ đục và 7 bệnh viện không đạt chỉ số Pecmanganat.
Ngoài ra, có đến 17/40 (chiếm 42%) mẫu nước của các bệnh viện không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%).
Kết quả xét nghiệm mẫu nước RO đã phát hiện có tới 60% mẫu nước (chiếm 24/40 mẫu) có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép. Nguyên nhân do nồng độ vi khuẩn trong nước nguồn cao nên sau khi xử lý, vi khuẩn chết gây “ô nhiễm” nội độc tố trong nước RO...
Những con số ấy thật khô khan nhưng đã khiến không ít người tim đập chân run và thầm nghĩ rằng, may mắn thay khi “thảm họa nước chạy thận” mới chỉ xảy ra ở một nơi, đó là... Hòa Bình.
Chạy thận nhân tạo là kỹ thuật khá phức tạp, nhưng nếu thực hiện đúng quy trình thì sẽ không xảy ra các biến chứng. Hiện nay, quy trình lọc máu được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế ban hành. Do đó, dù là bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới khi thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký, được Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp phép. TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) |
Do thận của bệnh nhân không còn làm việc nên chạy thận nhân tạo, có thể hiểu đơn giản là việc “rút máu” từ cơ thể bệnh nhân để lọc hết chất độc, sau đó lại bơm máu trở lại. Hệ thống lọc máu là một vòng tuần hoàn, gồm kim ra và kim vào. Máu từ đường ra sẽ qua màng lọc với chất thẩm tách (gồm nước siêu tinh khiết và chất điện giải) để lọc sạch máu và nước dư thừa. Máu sau khi lọc sạch sẽ được truyền dẫn trở lại cơ thể.
Các chuyên gia cho hay, trong việc chạy thận nhân tạo thì nước là nhân tố rất quan trọng. Đối với một bệnh nhân điều trị về thận thì cần đến 22.000 lít nước siêu tinh khiết trong mỗi năm.
Vậy tiêu chuẩn nước chạy thận nhân tạo như thế nào? Việc đầu tiên chính là việc lọc thô, cần điều chỉnh độ pH và nhiệt độ nước phù hợp nhất. Sau đó tiến hành làm mềm nước và đưa qua phần lọc với than hoạt tính để hấp thụ các chất độc hại có trong nước. Việc lọc tinh nhờ vào màng lọc RO, diễn ra quá trình thẩm thấu nước giúp loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn còn sót lại trong nước, sau đó đưa ra nước tinh khiết. Để chắc chắn hơn cho nguồn nước đầu ra thì có thể sử dụng tia cực tím UV để loại bỏ triệt để hoàn toàn virus gây hại và trao đổi ion để khử toàn bộ các ion trong nước.
Với việc lọc ra nước tinh khiết qua quá trình trên là vẫn chưa đủ bởi sau khi pha với dịch thẩm tán thì phải tiếp đến một màng lọc nước trong máy chạy thận để có thể ngăn chặn các vi khuẩn, vi rút xâm nhập trở lại môi trường nước tinh khiết sau khi đã lọc xong. Để an tâm hơn cho người sử dụng, thiết bị máy móc có bảng hiển thị đầy đủ các thông tin về chỉ số nước, nhiệt độ, áp suất và tỷ lệ pha dung dịch để có thể kiểm tra một cách chính xác hơn. Sau khi đã được lọc sạch qua các màng lọc và các thiết bị ngăn ngừa tái nhiễm vi khuẩn sẽ đưa đến nguồn nước đầu ra siêu tinh khiết để phục vụ cho quá trình chạy thận nhân tạo.
Quy trình trên đây đã và đang được thực hiện nghiêm ngặt tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ở đây luôn có gần 100 máy chạy thận, với công suất 4 ca/ngày để lọc máu chu kỳ cho hơn 600 bệnh nhân.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, quy trình chạy thận nhân tạo có vài chục công đoạn: Chuẩn bị nước, quả lọc, chuẩn bị bệnh nhân... khâu nào cũng phải hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo rất dễ xảy ra biến chứng. Ông nhận định: “Có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và biến chứng nào cũng nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh, nếu cấp cứu không kịp thì bệnh nhân rất có thể tử vong. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân trong suốt 3-4 tiếng lọc máu”.
Vì thế, tại Bệnh viện Bạch Mai, cứ 6 máy lại có 1 nhân viên y tế thay phiên nhau giám sát, túc trực. Khoa Thận nhân tạo là khoa duy nhất của Bệnh viện Bạch Mai không có khái niệm "ngày nghỉ", kể cả lễ, tết.
“Thận nhân tạo (Hemodialysis) là phương pháp điều trị cần thiết cho các trường hợp suy thận cấp và mạn, ngộ độc cấp và một số nguyên nhân khác khi có chỉ định. Thận nhân tạo là sự trao đổi các chất hòa tan trong nước giữa máu và dịch lọc qua màng bán thấm với nguyên lý khuyếch tán và siêu lọc diễn ra trong quả lọc. Quả lọc thận là vật liệu tiêu hao quan trọng nhất cho mỗi lần chạy thận nhân tạo. Ở nhiều nước, kể cả các nước tiên tiến đều sử dụng lại quả lọc. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều đơn vị thận nhân tạo nghiên cứu và sử dụng lại quả lọc thận. Việc sử dụng lại quả lọc là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh”. Trích “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận” của Bộ Y tế |
Nguyễn Long Vân