Trương Kỷ Trung: Ông lớn của giới “giang hồ” Trung Quốc
Rất nhiều fan của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung phải nói lời cảm ơn Trương Kỷ Trung (Zhāng Jìzhōng) vì đã hình ảnh hóa tiểu thuyết Kim Dung thành những bộ phim có bối cảnh hoành tráng, cảnh quay tuyệt đẹp, diễn tả chân thực như nguyên tác văn học và đặc biệt là đậm chất võ lâm.
Nhà sản xuất của những đại cảnh
Bối cảnh hoành tráng, hình ảnh tuyệt đẹp, diễn tả chân thực nguyên tác, đó cũng là những nét đặc trưng của các bộ phim chuyển thể Kim Dung do Trương Kỷ Trung sản xuất. Bắt đầu từ Tiếu ngạo giang hồ, năm 2001.
Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm thể hiện được tinh thần cũng như con người của võ lâm nhất trong toàn bộ tuyển tập của Kim Dung. Trương Kỷ Trung sau khi lựa chọn tác phẩm đã đề xuất phương hướng cho nhóm viết kịch bản: Đột phá các hình thức ước lệ trước đó của truyền hình Hồng Kông, theo đuổi phong cách phim võ hiệp chân thực và hoành tráng.
Trương Kỷ Trung đặc biệt chú trọng đến bối cảnh quay, không tiếc công sức đi tìm kiếm, không tiếc tiền để phục dựng những cảnh quay hoành tráng mà chân thực nhất. Điều này đã trở thành truyền thống trong các phim của ông. Trước khi bấm máy, Trương Kỷ Trung đi hầu khắp các danh sơn của Trung Hoa từ nam chí bắc từ đông sang tây để có những Thần tiên cư, Vĩnh khang nham, Xạ điêu thôn, Đào hoa đảo, Trương gia giới, Cửu trại câu… trông thật như mô tả của Kim Dung trong nguyên tác.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Trương Kỷ Trung đầu tư 20 vạn tệ để xây dựng trên mỏm núi một tòa "Huyền Không tự” chiếu theo tỷ lệ 1:1. Bối cảnh như thật này khiến cho các diễn viên rất nhanh chóng nhập vào trạng thái diễn xuất tốt nhất. Chỉ cần đó là nhu cầu thực sự cần thiết, Trương Kỷ Trung sẽ không ngần ngại về mặt chi phí. Vì thế mà để khán giả thấy được một tòa thành đồ sộ của nước Đại Lý trong phim “Thiên Long bát bộ”, ông đã chi ra hơn một triệu tệ. Đây là cảnh quay được coi là lớn chưa từng có trong lịch sử phim truyền hình Trung Hoa.
Vào ngày 25/3/2005, trường đoạn hoành tráng nhất của bộ phim “Thần điêu đại hiệp” – cuộc đại chiến ở thành Tương Dương khởi quay ở núi Ninh Ba đã được truyền hình trực tiếp trong một giờ hiện trường quay để khán giả toàn quốc có thể tận mắt nhìn thấy một quá trình quay “đại cảnh của Trương Kỷ Trung”… Ông được xem là ông lớn của truyền hình Trung Quốc một phần cũng bởi nguyên do này.
Mối lương duyên Kim – Trương
Từ hơn ba mươi năm trước, phim chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã được các nhà làm phim Hong Kong ưu ái tái hiện trên màn ảnh nhiều lần. Nhưng đến khi đại lục bắt tay làm phim thì những bộ phim này đã tạo nên một sức sống mới cho tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Người có công không ai khác chính là nhà sản xuất Trương Kỷ Trung.
Mối nhân duyên Kim – Trương bắt đầu rất tình cờ, từ một câu nói vui của nhà văn Kim Dung khi trả lời phỏng vấn của tờ Thanh niên Bắc Kinh, tháng 4/1999. Nhà văn gạo cội Kim Dung đùa rằng nếu CCTV muốn làm phim từ truyện của ông thì ông chỉ lấy phí bản quyền là một nhân dân tệ! Trương Kỷ Trung đọc được thông tin này nên quyết định không bỏ qua cơ hội đắt giá. Mặc dù đã có nhiều thành công trong vai trò nhà sản xuất của Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện… nhưng khi biết tin Trương Kỷ Trung dự định dựng phim kiếm hiệp chuyển thể từ truyện Kim Dung thì dư luận chia làm hai phái. Nhóm người phản đối cho rằng các bản phim của Hong Kong, Đài Loan đã quá xuất sắc, khó lòng vượt qua được; người đại lục sẽ biến phim kiếm hiệp thành các bộ phim lịch sử khô khan mà thôi. Nhưng một thời gian sau, mọi người đều phải nhắc đến Kim Dung – Trương Kỷ Trung như là một “cặp đôi hoàn hảo”.
Một trong những bí kíp thành công của Trương Kỷ Trung trong mảng sự nghiệp gắn với tiểu thuyết Kim Dung này, ngoài những đại cảnh đậm chất Trương Kỷ Trung còn là bởi một nhãn quan chọn kịch bản được đồng nghiệp thừa nhận là cực kỳ độc đáo. Và, một hơi thở mới mẻ, một diện mạo rực rỡ, một phong cách gần gũi hơn với các fan Kim Dung đương đại. Mà không làm mất hay giảm đi chất phóng khoáng, tự nhiên, hào sảng của giang hồ trong võ lâm. Kim Dung đặc biệt tín nhiệm Trương Kỷ Trung bởi độ tinh tế, sự khoáng đạt rất hiệp khách trong cách làm phim của ông, trong từng cảnh quay mà ông phục dựng, trong từng tiểu tiết nhỏ nhất để làm sống lại những tiểu thuyết bất hủ của nhà văn.
Năm 2001, Đài truyền hình Giang Tô mua bản quyền Thiên long bát bộ. Kim Dung liền yêu cầu đích danh Trương Kỷ Trung làm nhà sản xuất. Nhờ những lần hợp tác mà hai người trở thành bạn bè thân thiết. Khi Trương Kỷ Trung cật lực phản đối Kim Dung sửa đoạn kết Lộc đỉnh ký, Kim Dung đã lắng nghe. Ông cũng đã từng tuyên bố với Trương Kỷ Trung: “Nếu anh thay đổi địa điểm thích hợp hơn, tôi sẽ sửa lại tiểu thuyết”.
Tiền lệ mới, tiền lệ Trương Kỷ Trung
Từ trước đến nay, đối với điện ảnh Trung Quốc, các đạo diễn vẫn là những người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng Trương Kỷ Trung đã phá vỡ lối nghĩ này. Bắt đầu từ Tiếu ngạo giang hồ, danh tiếng của Trương Kỷ Trung với tư cách là nhà sản xuất đã vượt qua cả các đạo diễn. Hiện nay nhắc tới loạt phim truyền hình nổi tiếng chuyển thể từ các tác phẩm của Kim Dung bao gồm Anh hùng xạ điêu, Thiên Long bát bộ, Thần điêu hiệp lữ… có lẽ nhiều người không rõ đạo diễn là ai nhưng lại đều biết Trương Kỷ Trung. Vì thế mà hiện nay nhiều người gọi ông là đạo diễn Trương, mặc dù Trương Kỷ Trung đã nhiều lần cải chính: Tôi không phải là đạo diễn!
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có hơn mười bộ nhưng để lọt vào kế hoạch sản xuất của Trương Kỷ Trung cũng không phải là nhiều, mà mỗi bộ phim ông sản xuất lại càng ngày đặt ra các yêu cầu cao hơn, Trương Kỷ Trung quả thực đã đem lại một sự mong đợi cho khán giả của phim cổ trang Trung Quốc. Cho dù, những cuốn tiểu thuyết đó người ta đã đọc đến thuộc làu từng chi tiết. Cho dù những nhân vật trong đó đã trở thành “người quen” của giới mê tiểu thuyết kiếp hiệp nói chung và fan của Kim Dung nói riêng, suốt mấy chục năm qua.
Trương Kỷ Trung sinh năm 1951 tại Bắc Kinh, ông từng là giáo viên kinh tế cấp cao của Trung tâm chế tác phim truyền hình thuộc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông là diễn viên của Đoàn kịch nói Sơn Tây năm 27 tuổi, tham gia một số phim truyền hình và điện ảnh với vai trò diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất… nhưng thành công hơn cả với vai trò sản xuất các bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung ở Trung Quốc. Trương Kỷ Trung luôn sử dụng tối đa các bối cảnh hoành tráng để cho các nhân vật chính trong các loạt phim như Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Tiêu Phong, Dương Quá có thể biểu hiện lớn nhất uy phong anh hùng, qua đó cũng làm cho khán giả thật sự thả mình vào một giấc mộng anh hùng trong giang hồ. |
Thanh Lê