Chống người thi hành công vụ - S.O.S!
Tình trạng gia tăng những hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh, đồng bộ để bảo đảm công bằng cho lực lượng thực thi pháp luật. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
PV: Vừa qua, trên địa bàn cả nước số vụ chống người thi hành công vụ dường như đang gia tăng. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
PGS.TS Trịnh Hoà Bình |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc người dân chống lại người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), cảnh sát khu vực, kiểm lâm, quản lý thị trường. Trong đó, đối tượng bị phản ứng nhiều nhất là CSGT, dù người dân sai luật, nhưng khi bị xử lý vẫn cự cãi, thậm chí là có những hành vi không thể chấp nhận được. Ví dụ, một vị tướng về hưu dùng những lời lẽ nặng nề đối với một CSGT đã chặn xe ông lại. Một người phụ nữ ở TP HCM đi xe vào đường ngược chiều và sau đó nhảy ra cãi lộn với người CSGT đã dừng xe của cô...
Theo tôi, lý do chính là việc người dân đang thiếu hụt trầm trọng tri thức đúng đắn về pháp luật, cũng như văn hóa ứng xử và sai lệch chuẩn mực đạo đức của cộng đồng.
Bên cạnh đó, những hiện tượng này còn cho thấy người dân đang mất lòng tin sâu sắc và họ cho rằng, phải giành lấy “quyền phán xử”. Thế nhưng, lẽ công bằng mà họ chấp nhận lại hoàn toàn mang tính chất vị kỷ, có lợi cho bản thân chứ không phải công bằng một cách khách quan, theo quy chuẩn đạo đức của xã hội. Vì thế, có thể nói, một lý do nữa khiến tình trạng phản ứng với người thi hành công vụ ngày càng nghiêm trọng còn bởi lòng vị kỷ của con người đang lên ngôi.
Theo Cục CSGT, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ chống đối lại CSGT trong khi làm nhiệm vụ, làm 2 chiến sĩ hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương. Công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ, 9 đối tượng với tội danh chống người thi hành công vụ. |
Thêm nữa, việc chúng ta xử lý chưa nghiêm đối với các trường hợp chống lại người thi hành công vụ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này chưa thể chấm dứt.
PV: Có người cho rằng, một bộ phận người thi hành công vụ lạm dụng quyền lực, ăn hối lộ… khiến người dân bức xúc, chính vì thế người dân mới có thái độ phản ứng tiêu cực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là hiện nay đang tồn tại ý kiến như vậy. Nhưng không phải tất cả, không phải số đông. Khi lực lượng chức năng làm việc không đúng, người dân có quyền kiến nghị, có quyền phản đối, song không có quyền cự cãi, thậm chí là xúc phạm, hành hung người thi hành công vụ. Hơn nữa, số người thi hành công vụ, đặc biệt là CSGT, có những hành động, lời nói không chuẩn mực chỉ là số ít, còn phần đông vẫn thực hiện theo đúng luật định.
Nhìn lại các trường hợp phản ứng với người thi hành công vụ gần đây, điểm chung đều là người dân vi phạm trước, khi không thể xin xỏ được thì lại tỏ thái độ tiêu cực, thậm chí sẵn sàng lên facebook viết những lời mạt sát CSGT. Như vậy, người dân đang không tuân thủ theo những chế định, những chuẩn mực chung mà chỉ mong muốn điều lợi về mình.
PV: Trong số những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ có những người thuộc dạng có tiền, có quyền và danh tiếng. Ông nhận xét thế nào?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Có một bộ phận người nổi tiếng, người trong giới showbiz, người có quan hệ rộng rãi… thường có hành vi chống đối lại lực lượng thi hành công vụ. Tôi cho rằng, đây là vấn đề văn hóa ứng xử. Bộ phận này thường có quan niệm “ỷ thế, ỷ quyền”, nghĩ mình có vị thế xã hội thì người khác phải kiêng nể mình và coi mình có quyền ưu đãi miễn trừ. Đó là cách nhìn méo mó và phiến diện!
CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến đường |
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức của người dân chưa tốt, những người thi hành công vụ có quyền khống chế người vi phạm trong trường hợp phản ứng tiêu cực?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Chúng ta có thể thấy, trong thời đại của mạng xã hội, xem chừng người thi hành công vụ cũng ngại “dây”, hạn chế sử dụng các biện pháp khống chế người vi phạm. Những người có ý chí tiến công đến cùng cũng không phải là nhiều.
Một mặt, cả người dân và những người coi mình có vị trí xã hội cao thì ỷ thế làm quá lên, thậm chí gây gổ với người thi hành công vụ. Còn mặt khác, người thi hành công vụ lại ngại ngần, không dám quyết liệt khi xử lý các vi phạm. Rõ ràng, điều này lại đi ngược lại với quan điểm “trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, CSGT cũng cần cân nhắc khi khống chế người vi phạm. Trong những trường hợp không gây nguy hiểm đến tính mạng thì hành động đu, bám ôtô... của CSGT là cần thiết, nhưng với những đối tượng quá khích, những tình huống đặc biệt thì có thể tránh các hành động truy đuổi, gây nguy hiểm cho bản thân và các đối tượng khác.
PV: Trước nhiều hiện tượng tiêu cực như cự cãi, xúc phạm người thi hành công vụ hoặc hành hung người khác vì nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng, người Việt đang ngày càng “hung hãn” hơn. Ý kiến của ông về nhận định này ra sao?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng, áp lực của xã hội hiện đại với con người Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Người ta đi đâu cũng gặp những sai trái, ăn rau thì sợ thuốc sâu, ăn hoa quả thì sợ hàng kém chất lượng... chính vì thế, người ta hay “xù lông”, đối xử với mọi việc một cách gay gắt. Bên cạnh đó, một vấn nạn đang tồn tại trong xã hội hiện nay là sự lệch về chuẩn đạo đức ở nhiều lĩnh vực, con người dường như trở nên vô cảm hơn trước những vấn đề của bản thân, của xã hội, đất nước. Tất cả những điều này vô hình trung đã khiến con người trở nên cộc cằn, hung hãn hơn... để nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân. Nhưng rõ ràng, đây là sự bảo vệ quyền lợi một cách vô lối mà không tôn trọng cái chung, thượng tôn pháp luật.
Để giải quyết tận gốc vấn đề cần có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến vấn đề giáo dục, cả giáo dục trong gia đình, giáo dục trong nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần có sự chuyển động của cả hệ giá trị, làm sao cho người dân thực sự nhận thức về luật pháp, biết đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Nhà báo Ngô Kinh Luân: Đừng lấy định kiến biện hộ cho hành vi sai trái! Định kiến của một bộ phận dư luận đã khiến hình ảnh người chiến sĩ CSGT trở nên không trọn vẹn. Bản thân các chiến sĩ CSGT cũng chịu nhiều sức ép khi đối diện với thái độ hằn học của người vi phạm, với điện thoại có chức năng ghi hình chụp ảnh luôn chĩa sẵn vào mình khi thực thi nhiệm vụ. Trong lực lượng công an, CSGT tiếp xúc, va chạm với nhân dân nhiều nhất. Đa phần những va chạm, tiếp xúc ấy đều trong tình huống không ai muốn, nghĩa là trong hoàn cảnh xử lý vi phạm. Mà có ai vi phạm lại có thiện cảm với người xử lý mình bao giờ? Một điều khá mâu thuẫn là người dân thường quên mất tự vấn mình vì sao lại vi phạm giao thông để bị xử lý, tại sao lại không chấp hành luật giao thông? Thay vào đó, mỗi lần có hành vi vi phạm Luật Giao thông, người vi phạm lại vin vào những tiêu cực đã bị xử lý trước đó trong lực lượng CSGT để đổ vấy. Bởi có những cái nhìn định kiến, mà định kiến thì không trao đổi được, nên dư luận đã quên đi mất những hình ảnh chiến sĩ CSGT dầm mưa điều tiết giao thông, chôn chân trong lũ để hướng dẫn các phương tiện tham gia lưu thông nhằm bảo đảm sự an toàn, hoặc những ngày nắng nóng cao độ, chiến sĩ CSGT vẫn phải làm nhiệm vụ… Quan trọng hơn, việc gì phải ra việc đó. Chiến sĩ CSGT có tiêu cực thì sẽ bị xử lý và cá nhân lăng mạ, tấn công chiến sĩ CSGT cũng phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật, không thể lấy định kiến để biện hộ cho những sai trái, vi phạm. |
Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ Ngày 2-7-2017, Bộ Công an có công điện gửi thủ trưởng các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc; giám đốc công an, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bộ Công an nêu rõ, thời gian qua tình trạng người vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thi hành công vụ. Một số CBCS đã hy sinh và bị thương tích. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đối với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình công tác, bảo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe của nhân dân và CBCS khi thi hành công vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ tùy theo tính chất và mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. |
Xử lý hành chính hành vi chống người thi hành công vụ (theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-1-2013):
1. Hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. 2. Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. 3. Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. |
Vương Tâm