Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam:
Bao giờ cân bằng giá mua và giá bán?
Từ 1-6-2017, theo quy định, giá điện mặt trời được EVN mua là 9,35 cent/kWh, trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,3 cent/kWh. Đây là một thách thức đối với vấn đề cân đối cơ cấu giá điện.
Nhiều thách thức
Trao đổi với báo chí tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - hiện tại và tương lai” do Bộ Công Thương và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ đã ban hành cơ chế phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT). Với các cơ chế này, chắc chắn tỷ trọng nguồn điện NLTT sẽ tăng lên trong thời gian tới. Riêng đối với điện mặt trời, trước mắt mức giá này sẽ hỗ trợ giải tỏa công suất của các nhà máy điện mặt trời hiện có hoặc đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan về những khó khăn khi phát triển nguồn điện NLTT. Vì bản chất của điện gió, điện mặt trời là không ổn định, phụ thuộc vào thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, trong khi đó, hệ thống điện quốc gia đòi hỏi phải có tính ổn định cao. Khi phát triển NLTT, yêu cầu về tính ổn định của hệ thống phải được đặt ra. Đó là các ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ... Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện, bên cạnh việc đầu tư phát triển NLTT, phải đầu tư các nguồn năng lượng điện khác, sẵn sàng thay thế khi cần thiết.
Lắp đặt các tấm pin thu năng lượng mặt trời trên nhà mái ngói tại chùa Long Phước Thọ (Long Thành) |
“Mặc dù hiện nay khoa học công nghệ đã phát triển mạnh, suất chi phí đầu tư vào NLTT đã giảm rất nhanh, nhưng vẫn còn cao. Theo tính toán của EVN đến năm 2030, nguồn vốn phải bù lỗ cho NLTT rất lớn, không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng được. Với những khó khăn đó, phải có lộ trình phát triển phù hợp đối với NLTT. Mục tiêu là, trong thời gian ngắn có thể nâng cao hơn nữa tỷ trọng điện NLTT, nhưng giá điện NLTT phải phù hợp để khách hàng có thể chấp nhận được” - ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Giải bài toán cân bằng thu - chi
Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - mặc dù giá điện mặt trời cao hơn giá bán bình quân khoảng 2 cent/kWh, song vẫn chưa đủ hỗ trợ, kích thích đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Hiện nay, trong hệ thống điện Việt Nam, nguồn thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng cao, trong khi các nguồn NLTT chưa nhiều, việc huy động các nguồn điện giá thành thấp (từ các nhà máy thủy điện) có thể bù lỗ cho nguồn điện NLTT giá thành cao.
Tại diễn đàn trên, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá điện trong nước khi phát triển NLTT. Trong đó, phải kể đến vốn đầu tư phát triển hạ tầng (nguồn - lưới điện). Đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá điện.
Hiện nay, thủy điện chiếm gần 40% tổng điện năng sản xuất hằng năm, nhưng hầu như tiềm năng này đã được khai thác hết. Trong 10 năm tới, tỷ trọng các nguồn nhiệt điện than, khí sẽ tăng lên. Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than và đang tính đến việc phải nhập khẩu khí đốt. Do đó, giá điện từ các nguồn này cũng khá cao, khó có khả năng hỗ trợ, bù đắp cho phần chênh lệch của giá điện NLTT như gió, mặt trời.
Cùng với các yếu tố khác như thuế, phí bảo vệ môi trường, nhiều khoản chi phí trả cho các nguồn NLTT thì cơ chế cạnh tranh về giá trong thị trường điện cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá điện nói chung, giá NLTT nói riêng. Khi nguồn điện khan hiếm, giá thị trường sẽ cao và ngược lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện theo cả hai hướng tăng và giảm.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường thì mới thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện năng cũng như phát triển NLTT. Nguồn vốn đầu tư tư nhân rất quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của chiến lược phát triển NLTT trong thời gian tới. Cùng với các cơ chế khuyến khích về giá cho các nguồn NLTT, việc thực hiện cơ chế thị trường còn tạo sự minh bạch tài chính, mời gọi đầu tư của tư nhân cũng như hỗ trợ vốn từ các ngân hàng.
Theo ông Phương Hoàng Kim - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.622,01 đồng/kWh, tương đương khoảng 7,3 cent/kWh. Trong khi giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh. Như vậy, EVN lỗ khoảng 2 cent/kWh. |
Nguyên Long