Hãy để “Cái bếp đi trước, tủ thuốc theo sau”!
Thực phẩm chức năng (TPCN) đang được coi là “bí quyết” để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tật, nhất là đối với những bệnh mạn tính. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai về “bí quyết” này.
Bỏ ngỏ chất lượng TPCN
PV: Thưa PGS, TPCN có giúp bé tăng chiều cao, giúp bé hay ăn chóng lớn, giúp bé giảm tái phát viêm đường hô hấp hay không? PGS có nhận xét như thế nào về điều này?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng |
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Với hơn 40 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy nước mình lại nhiều TPCN và “thần thánh hóa” nó như bây giờ! Khái niệm TPCN được người Nhật sử dụng đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ trước để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Nhưng đến nay ở Nhật Bản cũng chỉ đang lưu hành khoảng 100 loại TPCN. Ở Việt Nam thì chưa kiểm soát được, riêng nhập khẩu về cũng rất nhiều loại, chưa kể số lượng TPCN sản xuất trong nước. Và chất lượng cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhiều như thế, ngay cả bác sĩ cũng không nắm được, chưa nói gì đến người dân. Điều này rất khó cho người tiêu dùng. Đã vậy TPCN đang là xu hướng sử dụng của nhiều người Việt, kể cả trẻ em.
PV: Là một người trong nghề, theo PGS có nên cho trẻ em dùng TPCN không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Dinh dưỡng thông thường với trẻ em cực kỳ quan trọng. Các thầy thuốc nhi khoa được dạy rằng: “Cái bếp đi trước, tủ thuốc theo sau”. TPCN nằm giữa ranh giới thuốc thông thường và thực phẩm: Nó có một vài đặc điểm của thực phẩm và có một vài đặc điểm của thuốc, nhưng không phải là thuốc. Vì vậy, sử dụng TPCN thế nào để đạt hiệu quả thực sự không phải dễ. TPCN đắt hơn thuốc, nhưng nếu không biết cách sử dụng hiệu quả thì sẽ bị mất một số tiền rất lớn thay cho việc dùng số tiền ấy để mua thức ăn thông thường như thịt, sữa... cho trẻ. Khi bị bệnh, chúng ta phải mua thuốc điều trị, đã rất tốn kém rồi nay lại phải chi thêm một khoản cho TPCN.
Bộ Y tế đã có quy định không được phép kê TPCN vào đơn thuốc. Đây là một quy định rất tốt, để người dân có thể quyết định việc sử dụng TPCN như thế nào cho đúng. Có rất nhiều loại TPCN tốt, nhưng nếu lạm dụng và sử dụng không hiểu biết thì sẽ gây hại cho người sử dụng. Với trẻ em, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết, thầy thuốc mới kê TPCN, còn những cháu có chế độ dinh dưỡng tốt, không có nguy cơ gì về hấp thu thì không cần bổ sung TPCN.
Cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội |
Trẻ bình thường không cần TPCN
PV: Vậy những trường hợp nào thì nên cho trẻ dùng TPCN, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi, chỉ có những trường hợp trẻ em sau đây mới nên cho sử dụng TPCN: trẻ mắc bệnh mạn tính (ung thư, những bệnh phải chữa dài ngày...) dùng TPCN để hỗ trợ điều trị; trẻ thiếu dinh dưỡng trầm trọng, hấp thu qua đường tiêu hóa không đủ, TPCN sẽ bổ sung các dưỡng chất hoặc những chất cơ thể còn thiếu. Còn các trẻ bình thường khác thì không nên dùng.
PV: Như vậy những thông tin hướng dẫn, “chỉ định” trên mạng về sử dụng TPCN cho trẻ không đáng tin đối với các bậc cha mẹ muốn cho con sử dụng TPCN?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Khi định dùng TPCN cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc xem con mình có thiếu chất gì, sống trong hoàn cảnh nào, mắc bệnh gì, từ đó biết được loại TPCN nào đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của con. Nếu cứ dùng bừa bãi, vừa tốn tiền mà nhiều khi còn có hại. Tôi thấy trên thị trường có một loại TPCN công thức y như Oresol - là một loại thuốc dùng cho trẻ em bị tiêu chảy, thường được đóng gói để pha thành dung dịch 1.000ml, 500ml, 200ml nhằm phù hợp với lứa tuổi. Đã uống Oresol là phải uống hàng trăm ml trở lên mới có tác dụng bồi phụ nước. Vậy mà loại TPCN trên chỉ đóng gói dạng 10ml. Trong trường hợp trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước và nguy hiểm đến tính mạng. Đã vậy, TPCN mà đóng gói như thuốc rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng, dẫn đến nguy hiểm.
TPCN không thể thay thế được việc ăn uống thông thường, càng không thể thay thế thuốc nếu trẻ bị bệnh. Thêm nữa, nếu vừa dùng thuốc lại vừa sử dụng TPCN sẽ có thể gây gây dị ứng, hoặc khiến chúng ta quên đi việc bổ sung dinh dưỡng thông thường hoặc quên đi việc uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng quá nhiều loại TPCN kèm với thuốc cũng gây khó khăn cho trẻ khi phải uống quá nhiều.
PV: Xin cảm ơn PGS!
Xuân Bách