Nghịch lý phát triển năng lượng mặt trời tại Ấn Độ
Ngành năng lượng mặt trời tại Ấn Độ đang rơi vào một nghịch lý. Đáng lẽ phải được nhiệt liệt cổ vũ khi nước này muốn giảm phụ thuộc vào nhiệt điện, thì sự phát triển quá nhanh của năng lượng mặt trời lại đang khiến chính ngành này rơi vào khó khăn vì giá điện giờ rẻ như cho...
"Giá điện mặt trời đã giảm quá nhanh. Điều đó không tốt cho ngành điện nói chung", Vinay Rustagi, Giám đốc Công ty Tư vấn năng lượng tái tạo Bridge to India nhận xét.
Là quốc gia gây ô nhiễm đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu - Paris 2015/COP21, New Delhi cam kết sẽ cắt giảm 35% lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2030 so với mức của năm 2005.
Để làm được điều đó, Ấn Độ phải giảm các nhà máy nhiệt điện, chủ yếu chạy bằng than đá. Và để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt từ các nhà máy điện chạy bằng than đá, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã trông cậy cả vào năng lượng mặt trời. Năm 2016, Ấn Độ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Gia tăng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời lên đến 100GW vào năm 2022, tăng hơn 8 lần so với mức của năm 2016.
Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời ở Greater Noida, cách New Delhi 45km |
Và đúng như cam kết, ngành năng lượng mặt trời của Ấn Độ đang chạy với “tốc độ ánh sáng”. Trong vòng 1 năm qua, từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017, Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi sản lượng điện năng lượng mặt trời.
Sự sụt giảm về giá cả của các tấm pin mặt trời giúp việc đầu tư vào ngành sản xuất năng lượng tái tạo này bớt nặng nề hơn, nhưng từ đó lại tạo ra một cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các nhà cung cấp. Cạnh tranh khiến giá điện năng lượng mặt trời tại Ấn Độ giảm mạnh và chính điều đó lại đang tác động ngược lại lĩnh vực này. Các nhà cung cấp điện đang chịu một áp lực rất lớn về giá cả từ phía khách hàng, nhà nước cũng như tư nhân.
Tháng trước, một nhà cung cấp điện tư nhân đã giành được một hợp đồng từ chính quyền Ấn Độ để cung cấp điện với giá 2,44 rupee (khoảng 0,04USD - tức 908 VNĐ) cho mỗi kilowatt giờ (kWh). Đây là một trong những mức giá thấp nhất trên thế giới và chỉ bằng 1/5 so với mức giá điện ở Ấn Độ vào đầu thập niên này.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ Piyush Goyal đã ca ngợi đây là một bước tiến vĩ đại của Ấn Độ tiến tới “một tương lai xanh”, nhưng các doanh nghiệp chuyên về năng lượng mặt trời thì lại rơi vào cảnh bất định.
"Trong 17 tháng qua, giá điện ở Ấn Độ đã giảm gần 50% và điều này dẫn đến việc một số khách hàng cảm thấy hối hận vì đã chót ký hợp đồng cung cấp với các dự án đã hoặc đang được xây dựng", ông Vinay Rustagi cho biết.
Những bang như Jharkhand, Andhra Pradesh và Haryana gần đây đã từ chối mua điện năng lượng mặt trời với mức giá trong khoảng 4-5,5 rupee cho mỗi kWh, với hy vọng tìm được giá rẻ hơn trong thời gian tới.
"Về mặt đạo đức, chính quyền các bang trên không nên làm điều đó", Sanjay Sharma, Giám đốc Công ty Năng lượng Solar Energy Corporation of India than vãn. Chính phủ có thể sẽ "mất niềm tin của các nhà cung cấp điện nước ngoài khi đầu tư vào Ấn Độ", ông Sharma cảnh báo.
Trên tổng số 329GW công suất điện được sản xuất ở Ấn Độ hiện nay, 67% đến từ than đá và khí đốt. Phần còn lại được phân chia cho các ngành năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện.
Người sáng lập Công ty Amplus Solar, Sanjeev Aggarwal cho biết, ông đã bị khách hàng gửi email tới tấp yêu cầu giảm giá điện, nhưng vấn đề là “chúng tôi lấy đâu ra tiền để trợ giá năng lượng. Chúng tôi là những doanh nghiệp chứ không phải là các tổ chức từ thiện nhận tiền của chính phủ”.
Sumant Sinha, Giám đốc điều hành Công ty ReNew Power dự đoán: "Giá điện cực thấp sẽ chẳng giúp ích cho ai cả. Cuối cùng, các doanh nghiệp cung cấp điện sẽ nợ nần chồng chất, các ngân hàng sẽ phải vào cuộc, tất cả dường như rất nguy hiểm", ông nói.
Là quốc gia gây ô nhiễm đứng hàng thứ ba trên thế giới, Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. New Delhi cam kết sẽ cắt giảm 35% lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2030 so với mức của năm 2005. |
S. Phương (tổng hợp)