Từ năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy hoạt động trong các quận nội thành
Tại phiên làm việc sáng 4/7, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khoá XV, 95/96 số đại biểu đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”. Như vậy, Hà Nội sẽ cấm xe máy trong các quận nội thành từ năm 2030.
Trình bày Tờ trình tại kỳ họp, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh. Trên địa bàn thành phố hiện có 5,2 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Với số lượng phương tiện này, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị. Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành và các cửa ngõ ra vào thành phố ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm, nhất là ngày lễ tết.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện trình bày Tờ trình tại kỳ họp. |
Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố cũng diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến năm 2020 sẽ có hơn 800.000 ô tô và hơn 6 triệu xe máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu và 7,5 triệu xe máy.
Góp ý về đề án, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) cho hay, ngoài 2 mục đích của đề án là giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thì cần bổ sung mục đích giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, lộ trình 13 năm để hạn chế xe máy là phù hợp, bởi trong thời gian đó thành phố đã làm được nhiều việc về phát triển cơ sở hạ tầng và không gian ngầm, nhiều tuyến đường, đường sắt đô thị hoàn thành sẽ đáp ứng mục tiêu đặt ra.
Hình ảnh tắc đường ở ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. |
Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND TP Hà Nội thông qua. Nghị quyết nêu rõ, sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 gồm: Quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
Lộ trình thực hiện các giải pháp được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Đề án nêu rõ, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh. Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi, Hà Nội sẽ cấp phép phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Thiên Minh - Mai Anh