Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp diễn biến phức tạp
Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trao đổi với PetroTimes về vấn đề vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA).
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng. |
PV: Được biết, đến cuối năm 2016, EVNNPT vẫn còn 962 vụ vi phạm HLBVATLĐCA, chiếm 20% số vụ vi phạm trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vậy xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Phải nói rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm có rất nhiều nhưng chủ yếu là do sự hiểu biết của người dân ở nhiều khu vực còn hạn chế. Mặc dù ngành Điện và các cấp chính quyền tuyên truyền cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hết được những thiệt hại, nguy hiểm khi vi phạm khoảng cách an toàn. Chính vì vậy, nhiều trường hợp vẫn cố tình xây dựng, cải tạo, cơi nới, đốt nương làm rẫy, đốt mía… trong và gần khu vực HLBVATLĐCA. Bên cạnh đó, trò chơi thả diều tại một số địa phương có chiều hướng gia tăng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống lưới điện truyền tải...
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư lưới điện 220/500 kV, các Ban quản lý dự án các công trình điện chưa giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ gia đình dù đã nhận tiền đền bù gồm cả chi phí phá dỡ các công trình, nhà ở trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhưng đã không tự phá dỡ… Do đó, khi đóng điện và đưa công trình vào vận hành, vẫn còn tồn tại nhiều công trình, nhà ở của người dân trong HLBVATLĐCA.
Ở một số địa phương, chính quyền chưa kịp thời bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân sống trong HLBVATLĐCA 500 kV thuộc diện phải di dời khi thực hiện dự án. Do đó, người dân tiếp tục ở lại, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, khó giải quyết…
PV: Việc xử lý các vi phạm như vậy là rất nhiều khó khăn?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Lưới điện truyền tải trải dài, rộng khắp cả nước. Hệ thống đường dây đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp khác nhau, từ đô thị đến vùng đồi núi, sông ngòi hiểm trở… trong khi người dân sinh sống trong những vùng có hành lang bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải đi qua cũng khác nhau về trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, dẫn đến việc tuyên truyền cũng như xử lý các vụ việc vi phạm gặp rất nhiều khó khăn...
Sản xuất, vận chuyển trụ tiêu dưới đường điện cao áp ở Gia Lai. |
Đáng nói, ở nhiều khu vực, người dân gây khó khăn, không cho cán bộ công nhân viên ngành Điện xử lý, loại bỏ các điểm vi phạm, chặt tỉa cây cao trong, ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới điện truyền tải, vì cho rằng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Thậm chí, một số hộ dân sống trong HLBVATLĐCA còn yêu cầu đền bù cao gấp nhiều lần so với quy định hiện hành, gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng và làm gia tăng số vụ vi phạm.
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những địa phương đã tích cực hỗ trợ EVNNPT thì vẫn có một số địa phương chính quyền các cấp còn chưa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền tải điện, gây khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm…
PV: Vậy EVNNPT có giải pháp gì để giải quyết thực trạng này, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Phải khẳng định rằng, BVATLĐCA là nhiệm vụ quan trọng của EVNNPT, bởi sự cố một đường dây, đặc biệt là đường dây 500 kV có thể gây mất điện trên diện rộng.
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở bản tin dự báo thời tiết, EVNNPT còn tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường học, tuyên truyền về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, giúp người dân nắm rõ và tuân thủ theo pháp luật. Cụ thể là phát tờ rơi, tặng quà sách/vở có in hình cảnh báo ATLĐCA…
Đặc biệt, cùng với sự vào cuộc của Ban chỉ đạo bảo vệ lưới điện truyền tải ở một số địa phương, EVNNPT đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lưới điện truyền tải với công an ở hầu hết các tỉnh, thành phố có lưới điện truyền tải đi qua, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ vi phạm; tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng với tất cả các hộ có nương rẫy nằm dọc hành lang đường dây 220 kV, 500 kV; ký biên bản phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng với Hạt Kiểm lâm tại các khu vực, tuyến có đường dây đi qua.
Trước mùa mưa bão, các đơn vị truyền tải điện cũng chủ động thực hiện đền bù giải tỏa cây cao có khả năng làm ảnh hưởng đến an toàn đường dây; thực hiện triệt để các giải pháp kỹ thuật như nâng cao khoảng cách pha đất; phát quang cây cối, củng cố các điểm sạt lở, tăng cường kiểm tra đường dây, hành lang tuyến, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Qua đó, phát hiện sớm các nguy cơ…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, EVNNPT đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ giảm 25% số vụ vi phạm HLBVATLĐCA.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hải Anh