Để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công
Khởi nghiệp với hầu hết mọi người chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Với tỷ lệ thất bại lên đến 80-90% thì tồn tại và phát triển luôn là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này.
Thất bại là bình thường
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông thì cứ 10 dự án khởi nghiệp chỉ có 1 dự án thành công. Vì vậy, khởi nghiệp không phải muốn là làm được, bên cạnh có ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp còn cần phải nghiên cứu nhiều vấn đề như: thị trường, kỹ thuật, tài chính, pháp luật...
Ở nước ta, khởi nghiệp đang rộ lên trong vài năm trở lại đây, khi mỗi năm có khoảng 1.000 DN trên cả nước khởi nghiệp. Năm 2016, số DN khởi nghiệp là khoảng 1.500 DN. Tuy nhiên, tỷ lệ DN “sống sót” sau khởi nghiệp hiện chỉ khoảng 10%.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, việc 10 DN lập ra có đến 8-9 DN giải thể ở nhiều nước phát triển được xem là bình thường vì trước áp lực cạnh tranh cao của nền kinh tế thị trường, những DN mới ra thị trường, tiềm lực còn yếu sẽ khó “sống sót”.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đổi mới ở hoạt động khởi nghiệp của nước ta thuộc loại thấp (16,5%), xếp thứ 50/60 nền kinh tế. Yếu tố sản phẩm mới chỉ có 4,8%, công nghệ mới 4,4% là, thị trường mới 2,2% so tương quan với nhiều nền kinh tế khác. Trong khi đó, khởi nghiệp luôn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo. Bởi định hướng cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra điều gì đó chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn để đạt được thành công.
Khởi nghiệp từ công nghệ thông tin là hướng đi của nhiều bạn trẻ |
Ông Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng - Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghệ Trường Đại học Bách khoa TP HCM nhận định, nhận thức và tư duy khởi nghiệp trong cộng đồng còn yếu kém, thiếu những ý tưởng chất lượng. Hơn 60% khởi sự kinh doanh chỉ để tăng hoặc duy trì thu nhập. Bên cạnh đó, hạ tầng khởi nghiệp chưa đầy đủ, gồm cả phần cứng và phần mềm. Cơ sở vật chất, hệ thống chuyên gia, chính sách hỗ trợ chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn phức tạp…
Về phía các DN khởi nghiệp, phần đông DN cho rằng, vấn đề thiếu vốn là trở lực lớn nhất vì đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ. Ông Lâm Thế Hải, Giám đốc Công ty Hải Long chia sẻ: “Mình có đủ vốn để vượt qua bước ban đầu hay không luôn là vấn đề của các DN khởi nghiệp. Bước đầu là bước khó khăn nhất. Tuy nhiên việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ thường rất khó khăn và khi không tiếp cận được thì chúng tôi phải tự thân vận động”.
Điều đáng nói là DN khởi nghiệp nhỏ và tiềm lực còn yếu nên tiếp cận vốn từ ngân hàng rất khó. Và đa phần các quỹ đầu tư thường không muốn tham gia giai đoạn đầu của DN vì tính chất rủi ro cao, chi phí quản lý gia tăng do phải tăng cường nhân sự cho những khoản đầu tư nhỏ này. Trong khi đó, các quy định về đầu tư mạo hiểm, thành phần cốt yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta vẫn chưa hoàn thiện.
Giữ cho DN “sống sót”
Ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Bên cạnh thúc đẩy, tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, chúng ta phải làm một việc lớn hơn nữa là giữ cho DN khởi nghiệp “sống sót” và lớn lên, bởi những DN sinh ra mà “chết yểu” như vậy sẽ là một tổn thất rất lớn cho đất nước”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ DN cho rằng, với tỷ lệ cao 80-90% những dự án khởi nghiệp thất bại nên rất cần bảo đảm một môi trường kinh doanh để các DN nhỏ có thể tồn tại và phát triển được. Đồng thời, phải xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đảm bảo những người khởi nghiệp giảm thiểu tối đa các rủi ro thất bại.
Trong những năm qua Chính phủ đã luôn quan tâm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp bằng nhiều chính sách và dự án. Đặc biệt, năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư kinh doanh bằng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Tại TP HCM, nơi có hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi động nhất cả nước cũng có nhiều chương trình nổi bật hỗ trợ cho khởi nghiệp như: Chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các dự án khởi nghiệp, kết nối DN và ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, lãi suất phù hợp và còn nhiều chương trình hỗ trợ về: đào tạo nhân lực, kiến thức, phát triển ý tưởng kinh doanh, phát triển sản phẩm mới.
Đến nay, TP HCM đã có khoảng 20 vườn ươm tạo DN. Các vườn ươm này đã có nhiều hỗ trợ trực tiếp như: đào tạo các kỹ năng cho DN khởi nghiệp, kết nối DN khởi nghiệp với các DN đã phát triển, các đơn vị tài trợ vốn, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp.
Trong đó, Vườn ươm DN phần mềm Quang Trung được đánh giá là một vườn ươm đạt hiệu quả cao, với tỷ lệ khởi nghiệp thành công đạt 80-90%, là một mô hình đáng để học tập. Để đạt được kết quả cao như vậy, bên cạnh việc thẩm định, tuyển chọn DN đủ điều kiện vào vườn ươm, Vườn ươm Quang Trung còn có nhiều hỗ trợ thiết thực cho DN khởi nghiệp như: tư vấn hoàn thiện ý tưởng, hỗ trợ các thủ tục thành lập DN, hỗ trợ chi phí thuê văn phòng với giá giảm 50%, Internet miễn phí, hỗ trợ công tác hành chính, văn thư, báo cáo thuế, hỗ trợ DN tìm lao động, tư vấn xử lý tranh chấp... Đặc biệt, vườn ươm này đã giúp DN tăng cường huy động vốn bằng việc hỗ trợ tìm các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, IPO bán cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài. Những việc này đã giúp nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho DN khởi nghiệp, góp phần rất lớn vào sự thành công của DN.
Ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận định, bản thân DN khi mới ra đời thì các dịch vụ: thuế, xâm nhập thị trường, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm còn rất yếu. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của DN khởi nghiệp thường là về vốn. Do đó, cần gây những quỹ từ cộng đồng, có quy chế rõ ràng, hỗ trợ cho khởi nghiệp ở giai đoạn ý tưởng và đổi mới. Làm được những điều này sẽ hạn chế rủi ro cho DN, hạn chế tình trạng DN khởi nghiệp phải “chết yểu”.
Mai Phương