Loay hoay tìm chỗ chơi mùa hè cho trẻ em
Mỗi khi kết thúc năm học và bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 2 tháng, vấn đề tìm nơi vui chơi cho trẻ em lại trở thành mối quan tâm của các bậc phụ huynh. Tìm được một sân chơi để trẻ được thoải mái vui chơi, vận động mà lại an toàn trong điều kiện hiện nay, nhất là ở các khu đô thị, đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng của các bậc phụ huynh.
Đau đầu tìm chỗ chơi cho con
Những năm trở lại đây, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ có dấu hiệu gia tăng. Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2016, số trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông... trên 1.600 em. Lý do chỉ vì trẻ thiếu một chỗ chơi thực sự an toàn, đặc biệt vào mỗi dịp hè khi học sinh được nghỉ học trong một thời gian dài.
Chị Thu Uyên (33 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị có 3 con nhỏ, đứa lớn học lớp 5, còn 2 đứa nhỏ mới chỉ học mầm non. Khi các cháu chưa nghỉ hè, hai vợ chồng chị có thể đi làm bình thường và yên tâm khi gửi con ở trường. Nhưng mấy hôm nay các cháu được nghỉ hè, không có người chăm nom lại không có chỗ chơi nào cảm thấy yên tâm nên vợ chồng chị sắp xếp cho đứa lớn đi học thêm tiếng Anh, còn 2 đứa nhỏ gửi về quê với ông bà nội.
Trẻ em thỏa sức nô đùa tại một trại hè (Ảnh minh họa). |
Cũng giống như chị Uyên, hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách cho con mình đi học thêm kín lịch hoặc đưa về quê với ông bà. Những nhà không nhờ được hai bên gia đình đành bỏ tiền thuê giúp việc để trông con trong hơn 2 tháng nghỉ hè.
Ở các thành phố lớn, trung tâm thương mại hay những bể bơi chen chúc người đã trở nên nhàm chán đối với trẻ. Bên cạnh đó, các khu công viên hay sân chơi công cộng xuống cấp và không được đầu tư cũng không còn thu hút được trẻ em. Chưa kể đến không khí khói bụi, môi trường ô nhiễm cũng làm các em nhỏ không muốn chơi ở nơi công cộng.
Không có chỗ chơi, trẻ em thường tìm đến các thiết bị điện tử như xem hoạt hình trên tivi, chơi game, nghịch điện thoại thông minh của bố mẹ… Những trò chơi này dẫn đến tình trạng thụ động ở trẻ, nhiều trẻ mắt kém hẳn đi sau mỗi dịp nghỉ hè. Bị bao vây bởi những thiết bị điện tử hiện đại, trẻ em ngày nay dần mất đi tuổi thơ lúc nào không hay. Thêm vào đó là nỗi lo ra đường bị lừa đảo, bắt cóc, tai nạn xe cộ, đuối nước… khiến các bậc phụ huynh thực sự trăn trở.
Trẻ cần được nghỉ hè đúng nghĩa
Hiện nay, để giảm thiểu tình trạng các em học sinh chỉ được trau dồi kiến thức về môn học trên ghế nhà trường, các chương trình vui chơi nhằm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ cũng đã được tổ chức rất nhiều, đặc biệt là vào dịp hè. Chủ yếu các chương trình này là do các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Nhiều hoạt động bổ ích như trải nghiệm một tuần làm bộ đội, trại hè sôi động, chơi để thông minh hơn... được mở ra trong dịp hè giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo, thích ứng được với mọi môi trường sống. Thêm vào đó, các công ty sách giáo dục cũng đã phát hành những đồ chơi sáng tạo hay những trò chơi dân gian để cho trẻ em thời nay có được không gian chơi như xưa.
Anh Lê Bá Ngữ (34 tuổi, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh chị có một bé năm nay lên lớp 2, là con trai nên bé rất hiếu động và nghịch ngợm. Do cả 2 vợ chồng phải đi làm nên anh chị quyết cho cháu tham gia trại hè và khi kết thúc chương trình thực nghiệm này sẽ gửi về quê với ông bà nội một thời gian.
Liên quan đến vấn đề sân chơi cho trẻ, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) - cho biết: “Hiện nay rất thiếu chỗ vui chơi cho tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là chỗ vui chơi cho trẻ em là thiếu hơn cả”.
Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu không gian vui chơi cho trẻ nhỏ có nhiều, nhưng chủ yếu là 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do dân số của nước ta tăng quá nhanh, lại tập trung vào những khu đô thị lớn nên việc thiếu chỗ chơi cho trẻ em ngày hè là tất yếu. Thứ hai là tâm lý của người Việt chưa thực sự quan tâm đến nơi vui chơi, mà chỉ quan tâm đến chỗ ăn, chỗ ngủ cho trẻ. Thứ ba là xã hội còn quá nhiều vấn đề cần được “ưu tiên” nên các cơ quan có chức năng chưa thực sự chú trọng đến chỗ chơi cho trẻ. Cuối cùng, vai trò của các tổ chức chuyên trách như Đoàn Thanh niên chưa đến nơi đến chốn.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói: “Hiện nay, có nhiều hình thức vui chơi sống động, nhất là cho các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, phổ biến ở khu đô thị. Họ đăng ký cho con đi học kỳ quân đội, học kỳ thứ 3 và các hình thức vui chơi giải trí khác. Nhưng điều đó phải phụ thuộc vào thu nhập và không thực hiện được trong đại chúng. Vẫn cần biết các tổ chức cộng đồng có thể tổ chức được các sân chơi bổ ích cho trẻ em vui chơi mà không mất nhiều kinh phí của các bậc phụ huynh”.
Còn theo ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, trong nhiệm kỳ trước, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có phiên chất vấn đề nghị Chính phủ giải trình và đưa ra kiến nghị trong tất cả các quy hoạch, kế hoạch xây dựng từ Trung ương đến địa phương phải lồng ghép các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có những động thái tích cực hướng dẫn các địa phương khi xây dựng khu đô thị phải có quỹ đất dành cho trẻ em vui chơi.
Trên thực tế, để trẻ em có chỗ vui chơi tốt, cho trẻ một môi trường phát triển thể chất và tinh thần, cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, cách ngành. Bởi, còn gì cấp bách hơn sự nghiệp trồng người? Trẻ em cần được nâng niu cả về mặt tâm hồn lẫn thể chất. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải cùng chung tay tạo ra những sân chơi bổ ích cho trẻ để trẻ vừa được giáo dục về thể chất vừa được bồi đắp về tâm hồn.
Mỹ Hạnh - Xuân Hinh