Cấp phép ca khúc:
Bài học từ quy chế "xin-cho"
Khoảng vài tháng nay, dư luận xôn xao, bất bình xung quanh chuyện cấp phép ca khúc trước năm 1975. Công chúng đặt câu hỏi, tại sao những ca khúc cách mạng đã quá nổi tiếng, vốn là “những bài ca đi cùng năm tháng” lại nằm trong diện chưa được cấp phép bấy lâu nay. Phải chăng đây là câu chuyện phải “xin” thì mới “cho”?!
Câu chuyện cấm và cấp phép
Khoảng đầu tháng 3 vừa qua, Phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) có thông tin về 5 ca khúc phải dừng lưu hành bao gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Thực ra quyết định trên xuất phát từ đề đạt của Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP HCM.
Ngày 16-12-2016, đơn vị này đã gửi công văn lên Cục NTBD về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975. Trong quá trình thẩm định danh sách do Sở VH-TT TP HCM gửi lên, Cục NTBD phát hiện 5 sáng tác trên có nhiều dị bản, tên tác giả, ca từ chưa chính xác. Ví dụ bài hát “Đừng gọi anh bằng chú” thường được chú thích là sáng tác của Diên An, tuy nhiên đây lại là tác phẩm của nhạc sĩ Anh Thy. Vì thế, Cục cho biết, sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu phiên bản ca khúc từng được cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp.
Đại diện Cục NTBD cho biết, hành động này nhằm đảm bảo chất lượng nội dung các bài hát trong các hoạt động âm nhạc như biểu diễn, ghi âm. Đại diện Cục cũng khẳng định, 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung. Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục sẽ cấp phép trở lại.
“Tiến quân ca” nằm trong danh sách 300 bài hát được Cục NTBD cập nhật phổ biến rộng rãi |
Tuy nhiên, sau khi 5 bài hát này bị cấm lưu hành, một loạt các ca khúc trước năm 1975, thậm chí là các ca khúc quá đỗi quen thuộc, quá nổi tiếng cũng chưa được cấp phép. Tiêu biểu như ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo công bố cũng chưa được cấp phép. Đây là bài hát mà từ đứa trẻ 5 tuổi đến những người già đều thuộc, đã được biểu diễn hàng nghìn lần trong rất nhiều các chương trình, sự kiện trên khắp cả nước.
Cách đây ít ngày, hơn 300 ca khúc được Cục NTBD cập nhật bổ sung vào danh sách lưu hành online, trong đó có nhiều ca khúc được sáng tác vào thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như: “Tiến quân ca”, “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Chào quê hương tuyến lửa anh hùng” (Huy Du, Đại Đồng), “Bộ đội về làng” (Lê Yên, Hoàng Trung Thông)... Ngoài ra còn có nhiều ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẻ đẹp quê hương, đất nước: “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” (Lưu Bách Thụ), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Bài ca Hà Nội”, “Bài ca bên sông Hồng” (Huy Du, Thanh Nhàn), “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận)... Đây lại là một việc làm khó hiểu và rất thừa của Cục NTBD khiến dư luận bức xúc. Đến nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng cảm thấy khó hiểu và không khỏi hoang mang khi bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của mình đã được biểu diễn bao lâu nay lại có trong danh sách các ca khúc mới được cấp phép phổ biến rộng rãi.
Phải rút kinh nghiệm sâu sắc
Trước đây, các nhà sản xuất đã nhiều lần góp ý với Cục NTBD về việc giảm sự phức tạp trong quy trình cấp phép nhạc phẩm trước năm 1975 và mong chờ sự thay đổi này từ lâu. Mỗi khi ca sĩ, doanh nghiệp muốn thực hiện một sản phẩm âm nhạc nào hoặc biểu diễn ca khúc trước năm 1975, họ đều phải gửi đơn xin phép tới Cục NTBD. Sau đó, Cục mới thành lập hội đồng chuyên môn để duyệt và thẩm định. Mà hội đồng này là các nhạc sĩ tự do, đa phần không thuộc biên chế của Cục. Vì thế, nếu chỉ là một, hai bài thì không thể có hội đồng đông đủ để duyệt, mà phải tập hợp một lượng bài tương đối lớn rồi “duyệt một thể”.
Không chỉ vậy, do mạnh đơn vị nào đơn vị ấy xin nên nhiều khi đơn xin chồng chéo nhau, khiến Cục phải duyệt đi duyệt lại. Như vậy vừa rất mất thời gian vừa thể hiện rõ cơ chế “xin - cho”. Còn nếu hợp lý hơn, các đơn vị muốn xin cấp phép tập hợp lại tất cả danh sách đề nghị và gửi lên Cục duyệt một lần thì sẽ thuận lợi hơn.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Vương Duy Biên bức xúc vì cách xử lý “máy móc và cứng nhắc” của Cục NTBD: “Đây không phải là những tác phẩm mới. Tất cả đều là ca khúc từng được cấp phép lưu hành. Sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục NTBD phải cho lưu hành bình thường, chứ không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đúng đắn, lành mạnh cần phải được cơ quan quản lý tạo điều kiện để phổ biến, lưu hành”.
Sau tất cả những lùm xùm thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD đã thay mặt ban lãnh đạo Cục và cá nhân nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc đã gây nên sự hiểu lầm bức xúc cho công chúng. Ông Chương khẳng định: “Trong thời gian vừa qua, Cục NTBD đã thực hiện việc rà soát, cập nhật danh mục các bài hát đã được phổ biến rộng rãi trên trang website của Cục NTBD, việc làm này gây ra sự hiểu lầm trong dư luận là Cục NTBD đã cấp phép các ca khúc cách mạng. Đây là điều đáng tiếc, tạo ra dư luận bức xúc trong xã hội”.
Câu chuyện cấp phép ca khúc đã chấm dứt. Tư duy quản lý yếu kém và cách nhìn thiển cận đã khiến chính cơ quan quản lý văn hóa gặp rắc rối. Chính Cục NTBD bị rối ren trong đống mạng nhện mà mình tự giăng ra. Tự khơi mào, rồi rối trong mớ bòng bong những việc làm thừa thãi, bất hợp lý gây bức xúc trong dư luận. Và rồi cuối cùng chính họ lại phải lên tiếng xin lỗi công chúng. Công chúng luôn ghi nhận những ai làm sai, biết sai nhận lỗi và trách nhiệm, nhưng có những trường hợp việc làm và quyết định sai của cá nhân lại khiến uy tín của cả một cơ quan Nhà nước bị giảm sút đáng kể. Đó mới là điều khiến công chúng lo ngại nhất.
Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ đã ra văn bản khẳng định: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác... Hiện nay Cục NTBD đang tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi, đối với những ca khúc còn lại mà chưa được cập nhật thì vẫn sử dụng như thời gian vừa qua. Nói một cách cụ thể là những ca khúc có nội dung tốt, không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và lợi ích của dân tộc thì đương nhiên được phổ biến rộng rãi không cần cấp phép”. |
Thanh Huyền