Tái diễn tội phạm gọi điện thoại lừa đảo
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn gọi điện thoại lừa đảo nhưng vẫn không ít người "nhẹ dạ" mắc bẫy.
Ngày 21/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội điều tra làm rõ vụ bà N.T.O. (57 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) bị đối tượng lạ mặt gọi điện xưng là công an lừa đảo số tiền 2 tỉ đồng.
Sáng 9/5/2017, khi đang ở nhà một mình, bà O. nhận được cuộc điện thoại của một nam giới tự giới thiệu là cán bộ điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Người này nói số thuê bao điện thoại của bà O. có liên quan tới đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. Để chứng minh vô tội, bà O. phải chuyển 2 tỉ đồng cho cơ quan điều tra. Sau khi được chứng minh không liên quan đến đường dây ma túy, bà O. sẽ được trả lại số tiền trên.
Ảnh minh hoạ. |
Trong lúc hoảng loạn, bà O. vội mang 2 cuốn sổ tiết kiệm tổng trị giá 2 tỉ đồng ra ngân hàng rút rồi chuyển ngay vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển tiền, bà O. mới bình tĩnh trở lại và gọi điện đến Công an phường sở tại xin tư vấn. Đến lúc này, bà O. mới ngã ngửa khi biết đã rơi vào bẫy lừa đảo.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo thông qua việc gọi điện thoại. Sáng 11/5/2017, bà T.T.H. (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người phụ nữ thông báo bà nợ cước điện thoại viễn thông và có liên quan đến hành vi rửa tiền cho một đường dây buôn bán ma túy tại Hải Phòng. Đối tượng yêu cầu bà H. rút hết tiền tiết kiệm ở ngân hàng và chuyển vào tài khoản của Viện Kiểm sát để theo dõi.
Hoảng sợ, bà H. đã chuyển số tiền 710 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Ngay sau đó, đối tượng đã rút hết số tiền trên. Khi phát hiện bị lừa, bà H. đã đến Công an huyện Đông Anh trình báo.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm nạn nhân của tội phạm lừa đảo thông qua việc gọi điện dọa dẫm. Chỉ tính riêng năm 2014, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50, Hà Nội) đã tiếp nhận 16 trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Trong năm 2015 và 2016 cũng có hàng chục nạn nhân của loại tội phạm này.
Liên quan đến loại tội phạm này, một cán bộ PC50 Hà Nội khuyến cáo, để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại như trên, người dân cần hết sức đề phòng cảnh giác, phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin về cá nhân, số điện thoại, không nên đưa thông tin về đời tư cũng như ảnh lên các trang mạng xã hội.
Trường hợp có người tự xưng là công an đề nghị cho biết thông tin cá nhân thì phải yêu cầu làm việc trực tiếp. Khi nhận điện thoại với nội dung nặc danh, tống tiền, hăm dọa, mọi người chú ý bình tĩnh để kiểm tra thông tin, đồng thời thông báo ngay với cơ quan công an để có biện pháp xử lý.
T.Minh