Giá thịt lợn hơi giảm sâu: Đục nước béo cò!
Những ngày gần đây, cụm từ hot nhất trên các phương tiện truyền thông cũng như trong đời sống xã hội vẫn là “giải cứu thịt lợn”. Nhiều biện pháp đã được cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra để hỗ trợ người dân, từ lỗ 10 phần đã giảm lỗ xuống còn 5, 6 phần cũng được xem là “may mắn” trong bối cảnh hiện nay. Nghịch lý thay, nông dân thì khóc ròng, còn hầu hết các thương lái, những cửa hàng kinh doanh món ăn liên quan đến thịt lợn lại đang vào thời vụ làm ăn. Thời cơ để các gian thương có điều kiện lộng hành!
Kẻ khóc người cười
Tình trạng giá lợn hơi giảm sâu, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng như các siêu thị có giảm nhưng không đáng kể đang diễn ra ở mọi nơi. Người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mua với giá cao để tiếp tục sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn.
Tôi có mặt tại một khu chợ thuộc xã An Thọ, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Khu chợ này tự phát từ ngày có đông công nhân xây dựng rồi nhiều cư dân của các tòa nhà chung cư dọn về ở. Trước kia, chợ chỉ họp buổi sáng thì nay chợ họp cả ngày. Trước chỉ vài ba sạp hàng bán thịt lợn thì nay dọc cả con đường thuộc xã An Thọ tràn ngập thịt lợn. Thịt lợn nhiều hơn cả rau. Đặc biệt ở chợ này, số lượng sạp bán ngũ tạng của lợn cũng rất nhiều và theo người dân ở đây mặt hàng này bán rất chạy.
Nhiều hộ chăn nuôi đang khóc đứng khóc ngồi vì không bán được lợn |
Từ trước đến nay, hầu hết thịt lợn bán tại chợ này đều được thương lái mua tại các trại chăn nuôi trong huyện. Theo ghi nhận thì hiện giá thịt lợn hơi tại các trại chăn nuôi thuộc huyện Hoài Đức có nơi chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg nhưng số lợn chưa xuất chuồng vẫn còn rất nhiều. Xã Cát Quế, huyện Hoài Đức là vùng chăn nuôi lợn truyền thống, hầu hết các hộ dân trong xã đều làm nghề nuôi lợn, những ngày này đang hết sức lo lắng.
Bà Hương, một hộ gia đình nuôi lợn hàng chục năm nay cho biết: “Chưa năm nào chúng tôi lại khốn khổ thế này. Bình thường đến thời gian xuất chuồng thương lái đến tranh nhau, vậy mà giờ gọi không ai đến. Giá thì đã giảm đến tận cùng rồi mà họ cứ lửng lơ để bớt thêm giá. Cực chẳng đã, mấy hôm nay chúng tôi rủ nhau tự mổ lợn rồi mang ra ngồi ven đường bán. Bán rẻ thì cũng đông người mua nhưng để giải quyết hàng trăm con lợn của mấy hộ trong mấy ngày thì khó lắm. Chỉ bán ở trong làng, làm gì có ai ngày nào cũng ăn hết mấy cân thịt”.
“Thương lái ép chúng tôi bán giá lỗ nhưng khi về giết mổ rồi bán ra thị trường thì giá họ vẫn để gấp ba, gấp bốn. Mấy hôm tôi không buồn đi chợ nữa vì cứ nhìn thấy hàng thịt lợn lại bức xúc. Nếu không có cách gì để giúp bà con cân bằng được thị trường thì chúng tôi phá sản” - bà Hương chia sẻ.
Nói đến đây, mặt bà đỏ gay, tay quệt vội nước mắt rồi bà kể tiếp: “Vợ chồng con gái tôi hôm qua đánh nhau vì lợn. Thương lái đến mua ép giá. Sốt ruột, bán thì tiếc, không bán thì không có thức ăn, bỏ đói chúng thì một hai hôm lợn lại gầy đi, hao cân. Vợ ngồi khóc tu tu, đứa con thấy mẹ khóc thì cũng gào ầm theo, chồng bực mình lao vào tát vợ. Thế là ầm ĩ cả nhà. Bán cả con lợn chỉ được hơn một triệu đồng. Cầm tiền trên tay mà thấy xót xa”.
Mặc dù người chăn nuôi đang quay quắt vì thua lỗ nhưng số lượng sạp hàng bán thịt lợn ngày càng tăng. Ngoài những người bán thịt “chuyên nghiệp”, tại chợ nhiều người cũng sở hữu những sạp hàng để bán thêm thịt lợn. Theo tiết lộ của một chị ngồi bán thịt ở cuối chợ, do phải cạnh tranh vì quá nhiều hàng quán bán thịt còn giá thịt bán vẫn khá ổn. Mỗi kilôgam thịt lợn chị cũng lời gấp 5, gấp 6 lần. “Mình đang bán hoa quả thì nhảy sang bán thịt lợn. Kiếm thêm chút tiền vì hoa quả giờ cũng khó bán” - chị Hoa cho biết.
Vì lượng người mua đông nên mặc dù giá thịt lợn trên thị trường đã giảm sâu gần cả tuần nay, nhưng so với mặt bằng chung thì giá thịt ở đây vẫn khá cao. “Giá thịt đã giảm nhiều, chỉ 40.000 đồng/kg, thịt nhưng là thịt bèo nhèo, những phần thịt không ngon. Còn xương sườn, ba chỉ bình thường 70.000 đồng/kg còn chỗ ngon, nhiều thịt vẫn là 80.000 đồng/kg. So với trước thế là giảm nhiều rồi em ơi” - chị Hải, bán thịt lợn cho biết. Thấy tôi thắc mắc, chị tỏ vẻ khó chịu: “Giá thịt giờ quá rẻ, tất cả đều bán một giá thì chúng tôi lấy gì mà ăn. Muốn ăn phần thịt ngon thì phải giá cao, muốn rẻ thì ăn thịt bên này. Giờ ở chợ này ai chả bán thế”.
Người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho gian thương
Dãy sạp hàng bán ngũ tạng của lợn mặc dù mới 6 giờ nhưng đã rất đông người mua. Nhiều sạp
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu của mặt hàng thịt lợn hiện nay. Thứ nhất, trong vấn đề quản lý, các cơ quan quản lý đã không nắm vững tình hình quy mô phát triển sản xuất ở từng địa phương cũng như trong cả nước. Thứ hai, việc thị trường Trung Quốc từ chối mua hàng sau một thời gian thu mua giá cao là lý do lớn nhất dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay - ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định. |
đã vơi đi hơn một nửa. Lòng non thì có loại vẫn giữ giá cũ vì người bán cho rằng ngon hơn, loại không ngon thì giá mềm hơn. Các loại như tràng, dạ dày, tim thì giá vẫn dao động từ 170.000-200.000 đồng/kg. Thấy tôi đang chần chừ ngó nghiêng, bà bán hàng vừa tranh thủ ăn sáng vừa bảo: “Không mua nhanh một lúc nữa chẳng có mà mua đâu. Cô muốn mua giá rẻ hơn thì có loại rẻ hơn”.
Không chỉ ở chợ mà tại các siêu thị mini ở các khu chung cư, giá thịt lợn cũng giảm không đáng kể. Cửa hàng chuyên bán thực phẩm an toàn (theo quảng cáo của người bán) tại một khu chung cư thời gian gần đây có bán thêm thịt lợn. Chủ hàng cho biết, thịt lợn ở đây là lợn sạch nuôi thả vườn chỉ ăn ngô, cám, không ăn tăng trọng. Vì thế, giá lợn hơi mua vẫn không đổi, thậm chí có hôm giá còn bị đẩy lên cao.
“Bọn mình mua thịt lợn hơi vẫn 65.000-80.000 đồng/kg. Công thuê giết mổ, về còn phải phân loại thịt. Có loại bán giá mềm hơn, có loại giá cao. Cơ bản bọn mình vẫn giữ giá cũ. Vì thịt ngon, đảm bảo chất lượng nên vẫn nhiều khách hàng chọn mua thịt của mình” - chủ cửa hàng Mai Xinh chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường thịt lợn còn nhiều biến động, giá thịt cơ bản đã giảm hơn so với trước, tôi đã tìm đến một vài quán ăn có sử dụng thịt lợn làm món ăn chính nhưng nhìn chung các món ăn này vẫn không hề giảm giá.
Cụ thể, như quán bún chả tại ngõ 100 Hoàng Quốc Việt. Theo tiết lộ của chủ quán ở đây, mỗi ngày quán tiêu thụ 5 tạ thịt lợn với hàng trăm lượt khách. Giá mỗi bát bún chả 35.000 đồng, nem 15.000 đồng… từ ngày mở quán đến nay vẫn vậy. Tôi thắc mắc tại sao giá thịt lợn giảm mạnh, những loại thịt bình thường giảm hơn một nửa, tại sao cửa hàng vẫn không giảm giá thì chủ hàng trả lời rằng: “Ở đây bọn em bán thịt lợn sạch, giá vẫn không giảm được chị ơi”.
Tại các quán cơm bụi, rất nhiều món ăn được chế biến từ thịt lợn: thịt luộc, rán, xá xíu, giả cầy, móng giò, lòng xào dưa, trứng đúc thịt… Và thịt ở đây chắc chắn không thể là loại thịt ngon nhưng giá cả vẫn hoàn toàn không giảm so với trước. “Bọn mình vẫn bán bình thường, cũng không thấy có ai thắc mắc. Một suất cơm cũng có nhiều món, đâu chỉ có mỗi thịt lợn” - chị Mai, quán cơm bụi khu tập thể cán bộ cao cấp Bộ Quốc phòng cho hay.
Thực tế thì, nhu cầu sử dụng thịt lợn vào thực đơn món ăn hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình vẫn rất lớn. Việc để tìm ra được một điểm bán hàng giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu cũng không hề đơn giản. Vì thế, với tâm lý của phần đông người tiêu dùng thì, giá không tăng là may rồi! Chính vì tâm lý này mà họ đã tự “thỏa hiệp”, chấp nhận một mức giá bình thường, không cao hơn trước để có được sản phẩm thỏa mãn nhu cầu. Chính tư tưởng, thói quen ngại “thắc mắc”, ngại “đấu tranh” của người tiêu dùng đã tạo cơ hội để gian thương có dịp thu lợi lớn.
Chớ “thả gà ra đuổi”
Đây không phải là lần đầu tiên ngành nông nghiệp “vỡ trận”. Vấn đề đáng nói là trong thời gian qua, không chỉ thịt lợn cần “giải cứu” mà từ dưa hấu, thanh long, hành tím… cũng từng rơi vào cảnh cả nước phải cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi”.
Một thực tế đáng buồn là, ở tất cả các địa phương luôn có cán bộ nông nghiệp, thú y cơ sở, nhưng hầu như người chăn nuôi không nhận được chia sẻ, khuyến cáo chuyện điều tiết thị trường phân bổ số lượng nuôi phù hợp để tránh vướng cảnh cung vượt cầu. Và ngành công thương không thể vô can trong chuyện cây trồng, vật nuôi tại các địa phương cứ vài vụ lại kêu giải cứu. Trách nhiệm bao quát thị trường thì phải nắm được thông tin nhu cầu với sản phẩm nào đó trong một thời gian xác định, để có những quyết sách cung - cầu phù hợp.
Tự giết mổ rồi đem đi bán đang là giải pháp tối ưu đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ |
“Chúng ta có rất nhiều cuộc giải cứu mà đáng lẽ không cần phải thế. Chế độ báo cáo của các tỉnh với Bộ Nông nghiệp rất chặt chẽ, số liệu đều có nhưng sao không báo động sớm? Cơ quan quản lý không làm chủ được quy hoạch thì sao trách nông dân” - ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thẳng thắn.
Ở một góc độ khác, điệp khúc “được mùa mất giá”, chờ “giải cứu” của các sản phẩm nông nghiệp cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao để không còn những chiến dịch giải cứu nông sản “đến hẹn lại lên” như trong mấy năm gần đây. Và muốn giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ gốc của nó. Nếu muốn vậy, thì theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải có nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, làm ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản xuất những sản phẩm mà chúng ta có.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là không theo quy hoạch, thả nổi cho người nông dân tự bơi và khi có sự vụ gì xảy ra thì mới nóng lòng kêu gọi lòng trắc ẩn của cộng đồng. Như vậy là mới chỉ lo phần ngọn mà bỏ qua phần gốc. Về vấn đề này, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, đầu tiên là phải có chính sách đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề thứ hai là quy hoạch đất đai cho nông nghiệp. Thứ ba là chính sách với người nông dân. Cụ thể, đất đai phải quy hoạch, nơi nào trồng cây gì, nuôi con gì là lợi thế tốt nhất. Kèm với đó là quy hoạch hạ tầng phải đầy đủ, đồng bộ. Phải đầu tư xây dựng được các chợ đầu mối đấu giá nông sản để tránh tình trạng giá từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng chênh lệch quá lớn. Và quan trọng là ưu đãi đầu vào, vốn cho nông nghiệp. Cuối cùng là chăm lo cho nông dân bằng các loại bảo hiểm từ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi đến chăm lo bảo hiểm xã hội cho nông dân…
Đấy là giải pháp tổng thể của ngành nông nghiệp. Còn đối với thực tế của thị trường hiện nay thì điều đáng lo ngại nhất là vẫn chưa có một cơ quan nghiên cứu thị trường hoàn chỉnh, cả về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Công Thương. Mặc dù, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu dự thảo pháp lệnh quản lý thị trường nhằm xây dựng lực lượng quản lý thị trường tinh thông nghiệp vụ, tuy nhiên, đến nay việc này vẫn còn nằm trên giấy. Đã tới lúc chúng ta nên xây dựng lực lượng trinh sát thị trường một cách mạnh mẽ, tổ chức theo kiểu liên kết công tư. Sau đó, dự báo thông tin thị trường phải được công bố cho toàn bộ chuỗi giá trị, cả người sản xuất, thu mua, chế biến và ngân hàng cho vay vốn…
Như vậy, có thể thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải có giải pháp tận gốc, căn cơ, kế hoạch cụ thể dài hạn chứ không phải khi động sự mới bị động tìm giải pháp. Như vụ việc “khủng hoảng thừa” thịt lợn vừa qua. Khi báo chí nêu, thị trường nhiễu loạn thì Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng hàng loạt các bộ, ngành chung tay, giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này. Nhiều giải pháp được nêu ra và đang thực hiện với sự quyết liệt của các bộ, ngành: Kêu gọi quân đội, công an, doanh nghiệp có nhiều công nhân ở các khu công nghiệp lớn hãy vì người chăn nuôi tiêu dùng thịt lợn nhiều hơn; Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chung tay “giải cứu”; đề nghị các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi… Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng giãn, hoãn, khoanh nợ, tiếp tục cho vay mới để người chăn nuôi yên lòng...
Chưa hết, trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường còn đề nghị các doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi những khó khăn về thị trường trong đó có việc giảm giá thức ăn chăn nuôi.
Trong tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tình thế cần nhất vẫn là kêu gọi và có chế tài để các thương lái, lò mổ không được ép giá người nuôi lợn. Cơ quan chức năng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế cần trực tiếp ra chợ để tìm hiểu và xử lý. Mặt khác, để chiến dịch giải cứu thịt lợn phần nào giúp người nuôi lợn vượt qua khó khăn trước mắt thì cần phải chọn lọc chứ không hỗ trợ tràn lan bởi giải pháp này đang được cho là người được hưởng lợi nhiều nhất lại không thuộc về người chăn nuôi mà là các thương lái và chủ lò mổ tư nhân, các công ty giết mổ. Họ đã trục lợi và được “vỗ béo” quá dễ dàng.
Trước chương trình “giải cứu thịt lợn”, nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia “giải cứu chuối Đồng Nai”; tiếp đó là “Chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi”. Hàng loạt chương trình tương tự cũng đã triển khai như “giải cứu hành tím” hỗ trợ nông dân trồng hành tím Sóc Trăng năm 2016; bán cá nục tươi hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung, bán vải thiều hỗ trợ nông dân trồng vải tỉnh Bắc Giang. Hay các đợt bán cam Canh Hòa Bình, hành tây, cà chua Đà Lạt, dưa hấu Quảng Nam, dứa Ninh Bình… |
Lê Minh