Bóng đá Việt Nam: Ai dung dưỡng cho bạo lực?
"Thích bị cắt gân chân khi về Thanh Hóa không" hay "Im đi cho tóc nó mọc"… Đó là những "lời qua tiếng lại" giữa cầu thủ U15 Hà Nội và huấn luyện viên trưởng U15 Thanh Hóa.
Vụ lùm xùm đấu tố qua lại giữa ông Lê Hồng Minh - huấn luyện viên trưởng U15 Thanh Hóa và cầu thủ U15 Hà Nội Vũ Tiến Long đã lắng xuống. Ông Minh bị phạt cảnh cáo vì có "hành vi không đúng mực". Còn Vũ Tiến Long được xác định vô can, nhưng cũng bị tố ngược là có thái độ xấc xược khi phản ứng kém văn hóa với người lớn: "Im đi cho tóc nó mọc".
Bạo lực sân cỏ trở thành căn bệnh "nan y" của bóng đá Việt Nam. |
Không ai nhận sai. Vì thế, có hay không màn đôi co giữa một người đáng tuổi cha, lại làm công tác "gõ đầu trẻ" với một cầu thủ nhí mới 15 tuổi, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Nhưng đặt giả thiết, câu chuyện kia là có thì thật đáng lo ngại (!?)
Hết chửi bới, lại quay ra đấu tố về tuổi tác. Hai cầu thủ Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà của Hà Nội bị tố sinh năm 2000, nhưng lại được làm giấy tờ thành sinh năm 2002. Hai cầu thủ này gian lận tuổi khi còn khoác áo đội Thanh Hóa thi đấu tại Giải Thiếu niên Nhi đồng toàn quốc năm 2015 và giành chức vô địch. Điều thú vị là chính đội Thanh Hóa lại là đội đứng ra tố hai cựu cầu thủ của mình, khi cả hai đã chuyển sang thi đấu cho Hà Nội.
Nếu không có chuyện Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà từ Thanh Hóa chuyển sang thi đấu cho Hà Nội, có lẽ sự việc hoàn toàn bị ém nhẹm?
Không ai khẳng định có chuyện "tư thù" ở đây. Nhưng nếu đây là câu chuyện được người lớn dựng lên vì áp lực nào đó, về thành tích hoặc chỉ đơn giản để trả thù lẫn nhau, thì thật nguy hiểm. Những cậu bé non nớt kia liệu sẽ đối diện với áp lực từ dư luận thế nào?
Một khán giả lớn tuổi thậm chí phải thốt lên khi nói về vấn đề này: "Những vụ gian lận tuổi này chỉ khiến người hâm mộ càng thêm chán nản với cách làm bóng chạy theo lợi ích trước mắt của người lớn. Đáng lo ngại hơn cả, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến những tổn hại cho sự nghiệp của những cầu thủ trẻ về sau".
Từng gắn bó với công tác đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An và Viettel nhiều năm, HLV Nguyễn Thành Công cho rằng, một người làm thầy, tham gia công tác đào tạo trẻ thì tất cả phải vì học sinh của mình - những cậu bé đam mê theo đuổi giấc mơ đá bóng. Điều tối kỵ là đưa các em nhỏ ra để làm công cụ vì mục đích cá nhân.
"Đối với những trường hợp bị gian lận tuổi, các em thậm chí còn bị mặc cảm tâm lý về sau này, chứ không chỉ hiện tại. Đây là điều chúng tôi, những người làm công tác đào tạo trẻ lo ngại nhất. Tôi biết có những cầu thủ giờ đã giải nghệ rồi, trước đây cũng vì gian lận tuổi mà bị những mặc cảm đè nặng trong lòng suốt cả sự nghiệp. Thế nên đây là điều ám ảnh rất lớn cho các em từ khi còn nhỏ" - ông Công nhấn mạnh.
Cầu thủ trẻ cần được uốn nắn cả về chuyên môn lẫn nhân cách. |
"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", nhưng trong bóng đá, từ phong trào đến đỉnh cao, nếu HLV hoặc cao hơn là lãnh đạo đội tuyển không "bật đèn xanh" thì cầu thủ có dám manh động?! Đây là điều những người làm bóng đá Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận.
V-League lên chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001, nhưng để tìm thấy và thừa nhận một hình ảnh chuyên nghiệp nào đó được thể hiện ở giải đấu này cũng khó như "mò kim đáy bể". Người ta chỉ nhớ đến V-League như một nồi lẩu thập cẩm, với nguồn nguyên liệu quen thuộc là bệnh thành tích, gian lận tuổi, bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài… Không thể lấy những hình ảnh bạo lực, tiêu cực ấy làm biểu trưng cho sự chuyên nghiệp được.
Một thống kê ở vòng 7 V-League cho thấy sự "thú vị" của hai từ "chuyên nghiệp" đến từ giải đấu cao nhất nước. Tổng thể, lướt qua danh sách nhận hình phạt ở vòng 7 V-League 2017, có tới 7 CLB có cầu thủ buộc phải nghỉ thi đấu vì thẻ phạt, tương đương 50% số đội bóng ở giải đấu. Điều này cho thấy, xu hướng "chém đinh chặt sắt" ở V-League không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà còn đang bùng phát trở lại.
Từ những câu chuyện trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng "cái ác, cái xấu" trong bóng đá đang được chống lưng và nếu thế, ai là người đang dung dưỡng cho bạo lực?
Quang Thịnh