Khủng hoảng thừa thịt lợn: Không thể thường xuyên giải cứu
Phong trào “giải cứu” thịt lợn đã lan rộng khắp trên cả nước, các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân làng xóm, từng nhà cùng chung tay vào cuộc giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn khi giá lợn giảm kỷ lục.
Cả xóm tham gia
Kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay, bố mẹ của em rể tôi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) điện thoại lên kể chuyện nhà ông bác họ có đàn lợn 20 con đến lứa xuất chuồng nhưng không bán được, thương lái trả giá quá rẻ, nếu bán đi thì lỗ gần một nửa. Sau đó, ông bà thông gia hỏi gia đình tôi có ăn thịt lợn không để hai nhà đụng 1 con về mổ rồi gửi lên Hà Nội.
Ở quê, mọi người đang ủng hộ người chăn nuôi lợn bằng cách chung nhau mua lợn về thịt. Mẹ tôi liền đồng ý vì ở Hà Nội, đi chợ bà vẫn phải mua thịt lợn giá 80.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi hai nhà chung nhau 1 con lợn lại chỉ có giá 12.000 đồng/kg hơi. Thế là trong mấy ngày nghỉ, nhà tôi ủng hộ “chiến dịch giải cứu thịt lợn” bằng cách ăn đủ các món làm từ thịt lợn, từ lòng lợn cho tới nướng, lẩu…
Trong xóm cũng có nhiều nhà “giải cứu” thịt lợn giống nhà tôi, đơn cử như nhà bà Nguyễn Thị Loan (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội), 4 gia đình cùng chung nhau mua 1 con lợn để tích trữ ăn dần. “Thấy thịt lợn giờ rẻ, mấy người chăn nuôi đang gặp khó khăn nên mình mua giúp, ưu tiên ăn thịt lợn. Thế nhưng, thịt cho vào cấp đông cũng chỉ để được tầm 8kg do tủ lạnh nhỏ. Số còn lại, tôi phải chế biến thành đủ các món khác nhau như: nạc thăn làm ruốc, giò, rồi làm xúc xích…” - bà Loan nói.
Thịt lợn tại các chợ truyền thống không giảm giá |
Mặc dù mấy gia đình chung nhau 1 con lợn cũng không thấm tháp vào đâu đối với người chăn nuôi. Thế nhưng, trong giai đoạn khó khăn như hiện tại thì “giải cứu” được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhờ sự chung sức của nhiều người, bà con chăn nuôi lợn sẽ bớt phần nào khó khăn.
Trên các trang mạng xã hội, “Hội chị em ăn thịt lợn giải cứu” còn cấp tốc làm ra một thực đơn “1.001 món ăn làm từ thịt lợn” để tham khảo các cách chế biến, trong đó ghi cụ thể cách làm từng món. “Nếu cứ rang, luộc, rán hay xào thì chỉ ăn 2 ngày là chán nên các mẹ chế biến thành thịt quay, nấu đông, làm chả lá lốt, làm nem... sẽ ăn được lâu hơn. Riêng bữa sáng có thể chế biến bún mọc, bún sườn…” - một dòng trạng thái chia sẻ trên hội viết.
Cẩn thận nhầm đối tượng
Theo tình hình cập nhật giá các mặt hàng nông sản, chăn nuôi trên mạng thì hiện tại giá heo hơi trung bình ở mức 19.000-24.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí cho 1kg heo hơi xuất chuồng phải mất đến 36.000 đồng/kg. Như vậy, 1kg thịt heo hơi, người chăn nuôi đang phải chịu mức lỗ 12.000 đồng/kg. Thêm vào đó, tuy giá heo hơi giảm mạnh, nhưng thực tế bất hợp lý hiện nay là tại các chợ, siêu thị, giá thịt heo các loại vẫn ở mức khá cao.
Giá thịt heo đùi tại các chợ hiện đang ở mức 70.000-80.000 đồng/kg; tại siêu thị Co.op Mart, giá thịt heo đùi ở mức 80.500 đồng/kg, sườn non 112.000 đồng/kg, thịt nạc giò 132.000 đồng/kg, sườn 74.500 đồng/kg. Đấy là trong những siêu thị, còn giá thịt lợn ở ngoài chợ truyền thống vẫn “đứng” ở mức 80.000-120.000 đồng/kg tùy loại. Theo tìm hiểu từ các bà nội trợ tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội tôi được biết, trên thực tế giá thịt lợn tại khu vực này vẫn chỉ giảm chút ít. Đây là một thực trạng rất bất cập, đòi hỏi các ngành, các cấp cần có sự kiểm tra, kiểm soát giá cả một cách chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Tại sao cứ phải “giải cứu…”
Tính từ đầu năm tới nay, người dân đã cùng nhau chung tay “giải cứu” mấy đận cho dưa hấu, hành tím, chuối và giờ là lợn. Tất cả những cuộc giải cứu này đều có chung một điểm, đó là việc phát triển nuôi trồng các loại nông sản này đều “quá nóng”, tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ lụy không nhỏ với ngành nông nghiệp nước nhà.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Phát triển chăn nuôi Peter Hand Hà Nội, nguyên nhân xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa thịt lợn như hiện tại là do trong hai năm 2015 và 2016, người nuôi lợn Việt Nam tăng đàn rất mạnh nhằm mục đích xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối năm 2016 Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt lợn Việt Nam, dẫn đến việc cung lớn hơn cầu. “Theo các báo cáo của địa phương thì số đầu lợn tăng vài chục phần trăm, tuy nhiên các con số này không thực sự chính xác, theo tôi có lẽ phải tăng đến gấp đôi, vì vậy mới có giá 15.000 -20.000 đồng/kg” - ông Đức nhận xét.
Câu chuyện về thịt lợn đã làm nóng cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 4-5. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đang có một nghịch lý tồn tại là, trong khi giá thịt lợn hơi đang xuống rất thấp, có lúc chỉ bằng 50% mức giá hoàn vốn (giá hoàn vốn là 34.000-35.000 đồng/kg hơi). Thì tại các siêu thị giá thịt vẫn rất cao, thường là 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 100.000 đồng/kg. “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để xảy ra tình trạng tương tự, yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, giá lợn hơi giảm mạnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Vấn đề kiểm soát cơ sở chế biến tăng thu mua, kiểm soát chặt chẽ thị trường phân phối được đặt ra. Giải pháp về lâu dài là cần hạ giá sản xuất, tăng chế biến sâu, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp nhu cầu thị trường. Trước đó vào ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)Nguyễn Xuân Cường cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, kể cả khuyến khích lực lượng vũ trang mua thịt lợn của dân. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Giá lợn hơi hiện đã tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất. Giá thịt đến với người tiêu dùng cũng đã giảm. Các siêu thị như Big C, Sài Gòn Co.op giảm 10-20% so với 10 ngày trước.
Thứ trưởng không cung cấp thông tin con số tồn đọng là bao nhiêu. Tuy nhiên, ông cho biết, hiện đang còn khoảng 300.000-400.000 tấn lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. “Chúng tôi cố gắng giải quyết để đưa cân bằng cung cầu trong 2-3 tháng nữa”, ông Tuấn nói.
Cần giải pháp căn cơ
Về các giải pháp sắp tới, Bộ NN&PTNT đề ra 3 giải pháp lâu dài, là giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để dư; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn hợp lý. Trước mắt là kiểm soát heo nái, nâng cao an toàn thực phẩm; tổ chức liên kết chuỗi chăn nuôi. Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ thay đổi một số cơ chế, chính sách, nhưng quan điểm chung không hỗ trợ trực tiếp, mà qua liên kết chuỗi và theo tín hiệu thị trường.
Vấn đề mở thị trường xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ được giải quyết. Những năm trước, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tiểu ngạch rất lớn với lợn Việt Nam. Năm nay, lượng nhập chỉ còn dưới 10% so với năm ngoái, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp thêm thông tin về vấn đề liệu có việc nhập khẩu thịt, các mặt hàng liên quan đến thịt lợn làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Thứ trưởng Hải cho biết, năm 2016, Việt Nam nhập 39,4 nghìn tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ Australia, EU, Mỹ, Canada. Giá trị nhập khẩu đạt 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ trong nước. Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, số lượng nhập khẩu không ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Giá thịt nhập khẩu cũng đắt hơn nhiều so với thị trường trong nước. Giá bán ở Vinmart là 120.000-130.000 đồng/kg. Năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 20 triệu USD với thịt lợn tạm nhập tái xuất. Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất quan tâm và giám sát ngăn việc thông qua tạm nhập tái xuất để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.
Tuyết Kỳ