Chuyện “trồng người” ở bóng đá Việt: Sớm nở chóng tàn!
Chơi bóng hay ở các lứa tuổi nhỏ, nhưng đến các cấp độ cao hơn thì nhiều tài năng trẻ lại có dấu hiệu chững lại, thậm chí không thể phát triển. Câu chuyện nuôi dưỡng tài năng có lẽ vẫn là bài toán chưa có lời giải với những người làm bóng đá Việt…
Từ thế hệ của Văn Quyến...
Vòng chung kết U16 châu Á năm 2000, U16 Việt Nam tạo nên cơn “địa chấn” khi loại U16 Trung Quốc ở bán kết. Văn Quyến là tác nhân chính cho cú lội ngược dòng lịch sử bằng siêu phẩm "lá vàng rơi".
Ở giải đấu đó, mặc dù U16 Việt Nam vẫn lỗi hẹn với vòng chung kết World Cup U17 khi để thua Nhật Bản ở trận tranh hạng Ba (ở thời điểm đó, châu Á chỉ có 3 suất dự World Cup U17), nhưng đây là màn “chào hàng” không thể hoàn hảo hơn của Văn Quyến và đồng đội, một thế hệ đầy hứa hẹn ra đời.
Bóng đá trẻ Việt Nam gặt hái được khá nhiều thành công. |
Văn Quyến được truyền thông châu Á điền tên vào danh sách 4 tài năng trẻ hay nhất châu Á lứa tuổi U16 thời điểm bấy giờ. Còn Như Thuật được so sánh với nghệ sĩ sân cỏ Hồng Sơn. Minh Đức chơi rất chững chạc ở vị trí trung vệ cùng tấm băng đội trưởng trên tay. Lâm Tấn cho thấy những đường nét của Công Minh với khả năng công thủ toàn diện.
Chỉ tiếc sau khi tạo nên cơn sốt tại Đà Nẵng, thế hệ U16 được kỳ vọng là tương lai của bóng đá Việt nhưng lại không đủ sức để tiếp nối thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn. Câu chuyện về sau thì ai cũng biết, chỉ có đúng 2 người thực sự trở thành ngôi sao tại V-League là Văn Quyến và trung vệ Minh Đức.
Còn những người khác như Ánh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn, Đức Anh… đều chìm nghỉm với sự nghiệp rất lận đận. Ngay cả Văn Quyến lẫn Minh Đức vì những lý do khác nhau cũng chỉ duy trì thời gian trụ lại trên đỉnh cao rất ngắn (với Quyến là dính vào vụ bán độ tại Bacolod, còn với Minh Đức là những chấn thương liên miên).
Đến câu chuyện World Cup tuổi 20...
Giấc mơ của đội tuyển quốc gia tại sân chơi châu lục, Olympic, World Cup vẫn sẽ chỉ gói gọn ở hai từ “cọ xát”, học hỏi kinh nghiệm, vì thực tế dù có muốn chúng ta cũng không thể làm gì thêm được.
Và những người trẻ lại thêm một lần “lĩnh ấn tiên phong”, “mở điểm” cho bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Lần này màn “chào hàng” còn ấn tượng hơn những gì mà Văn Quyến và các đồng đội làm được 17 năm trước. Đó là U20 Việt Nam.
Từ chỗ bị đánh giá yếu nhất bảng B, U19 Việt Nam đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại khi thẳng tiến tới bán kết giải U19 châu Á, cùng tấm vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc.
Lần đầu tiên, ở môn bóng đá 11 người, chúng ta có đại diện tranh tài ở giải đấu dành cho những đội bóng hay nhất thế giới. Khó có cụm từ nào diễn tả được hết vinh dự này.
Trước đó, U16 Việt Nam mặc dù không thể giành được tấm vé đến vòng chung kết U17 thế giới nhưng cũng thi đấu khá ấn tượng, đặc biệt là chiến thắng trước U16 Úc.
Thành công liên tiếp ở các lứa trẻ cho thấy tiềm năng của cầu thủ Việt là rất lớn. Nếu được đầu tư, chăm chút, định hướng tốt thì việc chọn ra một đội tuyển đủ mạnh để cạnh tranh tại các giải đấu lớn không phải là khó. Nhưng liệu chúng ta đã làm tốt công tác ươm mầm chưa? Vẫn là câu hỏi chưa có lời giải (!?).
V-League không phải nơi ươm mầm?
Quá nửa đội hình của U20 Việt Nam đã và đang là những trụ cột của các đội bóng chinh chiến ở V-League hoặc giải hạng nhất quốc gia.
Trọng Đại là nòng cốt của CLB Viettel, anh thi đấu khá ấn tượng ở giải hạng nhất quốc gia. Đức Chinh đầu quân cho CLB SHB Đà Nẵng. Minh Dĩ, Quang Hải là những nhân tố trẻ tốt nhất của CLB Hà Nội. Tiến Dụng đầu quân cho Than Quảng Ninh… Tuổi đời trẻ, lại sớm được thi đấu đỉnh cao, nhưng V-League có thực sự là môi trường tốt cho các cầu thủ trẻ?
Nhìn lại quá khứ, V-League từng có giai đoạn phát triển nóng, lương, thưởng tăng phi mã. Mùa giải đầu tiên gắn tên chuyên nghiệp V-League, cầu thủ nội lương cỡ 2-3 triệu đồng, còn cầu thủ ngoại 800 USD mỗi tháng là mức phổ biến. Đến V-League 2009, các đội bóng phải chi lương tháng cho mỗi nội binh 25 triệu đồng và mỗi ngoại binh 8.000 USD là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Cầu thủ “bỗng nhiên” có giá, nhưng cái “giá trị ảo” ấy đã mang đến nhiều hệ lụy, một thời chúng ta tự xưng mình là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á, thế nhưng đội tuyển quốc gia vẫn khan hiếm nhân tài. Để giờ đây khi nhìn sang Thai League mới thấy chúng ta thụt lùi tới mức nào.
Cầu thủ "bỗng nhiên" được chiều, lương thưởng cao nên tự “ảo tưởng” về giá trị của bản thân, chuyện đá thì dở nhưng mắc “bệnh sao” là không hiếm. Tiền thưởng của các ông bầu vào mỗi trận thắng lên tới hàng tỷ đồng cũng dẫn tới nhiều hệ lụy.
Những cầu thủ đầu “đầy sỏi” ở V-League từ chỗ thi đấu hết mình, đúng tinh thần thể thao chân chính, thì nay sẵn sàng vào bóng theo kiểu triệt hạ, hoặc ăn thua với nhau bằng hỗn hợp “chân, tay, miệng”. Văng tục chửi bậy, thậm chí hành hung trọng tài là chuyện không hiếm.
Cú vào bóng theo kiểu triệt hạ của trung vệ Quế Ngọc Hải khiến cầu thủ trẻ Anh Khoa phải giải nghệ chỉ là một “án điểm” trong vô vàn những mặt tối khác của V-League.
Cầu thủ giờ đây vừa đá bóng, vừa phải lo giữ mình, những cầu thủ có thâm niên “ăn cơm” V-League thừa khôn khéo để tự bảo vệ mình, nhưng những cái tên mới 19, 20 kinh nghiệm chưa có sẽ phải đối diện với những áp lực này thế nào?
Các câu lạc bộ cũng chịu áp lực về thành tích nên thường xuyên sử dụng ngoại binh ở những vị trí quan trọng, vì thế cơ hội được thi đấu của các cầu thủ trẻ là không nhiều.
Một khi những vấn đề nhức nhối của V-League chưa được giải quyết triệt để, thì tương lai của những tài năng trẻ không biết sẽ đi về đâu?
Quang Thịnh