Thương hiệu quốc gia biển Việt Nam:
“Để thế giới, nhiều người biết đến biển Việt Nam”
Theo đánh giá Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), các resort ở các khu du lịch biển miền Trung và miền Nam của nước ta hiện nay có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển nổi tiếng của các nước trong khu vực như Bali (Indonesia), Pattaya, Phukhet (Thái Lan), các bãi biển Tanjong, Siloso và Palawan trên đảo Sentosa (Singapore) và các khu du lịch biển của Malaysia… “Nếu Việt Nam muốn phát triển thương hiệu quốc gia biển thì phát triển du lịch biển đảo là phương pháp tốt nhất và đem lại nhiều hiệu quả nhất” - UNWTO khuyến cáo.
Thương hiệu chính là niềm tin
Theo các chuyên gia về kinh tế biển đảo, khái niệm thương hiệu quốc gia biển vẫn còn mới mẻ với nhiều người. Nhưng hiểu đơn giản “thương hiệu quốc gia biển” là một tập hợp các thương hiệu về biển, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực kinh tế hay kinh doanh về biển mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan, như địa danh, các thương hiệu đã được tổ chức thương hiệu chứng nhận, thương hiệu hình tượng liên quan đến văn hóa, lịch sử, danh nhân...
Ông Trần Hữu Hiệp (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), tác giả của đề án xây dựng thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc” thì cho rằng “thương hiệu quốc gia biển chính là những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, những tên gọi, hình ảnh gắn liền với biển Việt Nam, đã trở nên nổi tiếng, đi sâu vào tiềm thức của mọi người, đem lại cảm xúc, thông điệp và niềm tin cho khách hàng”.
Câu cá ở “Đảo Ngọc” Phú Quốc - điểm hấp dẫn du khách quốc tế |
Ông Hiệp nhấn mạnh: Nói đến thương hiệu biển là nói tới những sản phẩm, tên gọi thương mại gắn liền với các lĩnh vực hàng hải, hải sản, du lịch biển, khoáng sản biển, các ngành công nghiệp liên quan đến biển, các khu bảo tồn biển... Những sản phẩm, tên gọi thương mại này nếu trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu, sẽ làm cho tên của các doanh nghiệp, các địa phương cung cấp các dịch vụ, sản xuất ra các sản phẩm đó trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu.
Vẫn theo ông Hiệp, nhiều doanh nghiệp và địa phương có các thương hiệu nổi tiếng sẽ làm cho Việt Nam nổi tiếng về các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến biển, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển, và tên gọi “Việt Nam” sẽ đại diện cho các sản phẩm về biển có uy tín, chất lượng, được ưa chuộng và trở thành thương hiệu quốc gia.
Gần đây, nhiều thương hiệu biển đang được quan tâm xây dựng, được “mài dũa, đánh bóng”, thể hiện rõ nét nhất thông qua việc xây dựng, đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bảo hộ thương hiệu tập thể.
Tuy nhiên, cho đến nay, gần như vẫn chưa có một chương trình thương hiệu biển trong chiến lược thương hiệu quốc gia để định vị và định hướng cho những hành động cụ thể trong tổng thể chiến lược kinh tế biển Việt Nam, khiến nhiều sản phẩm, lợi thế về biển đảo vẫn ở dạng “tiềm năng”.
Những nhà nghiên cứu chiến lược kinh tế biển cũng nhìn nhận: Ở cấp độ quốc gia, các sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến thương hiệu của mình. Số lượng các sản phẩm của Việt Nam có thương hiệu biển trên thế giới tập trung ở dầu khí, hàng hải, một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản; trong khi đó nhiều lĩnh vực, như cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch… chưa có thương hiệu.
Xúc tiến quảng bá
Theo TS Đỗ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam, nếu coi việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam là một thương hiệu quốc gia thì thông qua phát triển thương hiệu du lịch biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất để đạt được thành công về phát triển thương hiệu biển Việt Nam.
“Điều dễ gây ấn tượng nhất đối với hình ảnh một quốc gia được chuyển tải nhanh chóng thông qua các hình ảnh du lịch. Hoạt động du lịch, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch thường sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người đẹp nhất để xây dựng hình ảnh tích cực về các điểm đến du lịch, cũng chính vì vậy mà dễ dàng tạo ra những ghi nhận tích cực nhanh nhất cho một hình ảnh chung cho quốc gia. Bên cạnh đó, các trải nghiệm du lịch của khách du lịch quốc tế mang đến những ghi nhận, đánh giá sâu sắc hơn cũng tạo thuận lợi lớn hơn trong việc xây dựng thương hiệu chung về biển Việt Nam” - TS Thơ phân tích.
Trước TS Đỗ Cẩm Thơ, nhiều chuyên gia khác cũng thừa nhận rằng: Vị trí, thực trạng và triển vọng phát triển du lịch biển Việt Nam đang là hướng mũi nhọn phát triển của ngành du lịch, thể hiện qua Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, là địa bàn thu hút đa số khách du lịch quốc tế và nội địa. Du lịch biển Việt Nam cũng đang có sự tập trung đầu tư phát triển và có nhiều tiềm lực trong cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đặc biệt là sự đa dạng sắc thái và đa dạng mục đích sử dụng đường biển, với: vịnh vũng cảnh quan, dải biển dài với chất lượng bãi tắm, hệ thống đảo ven bờ với nhiều đảo còn nguyên sơ.
“Tập trung vào những giá trị cốt lõi, thế mạnh thương hiệu này, cần có các biện pháp xúc tiến quảng bá phù hợp từ Trung ương đến địa phương, các địa phương ven biển cần đảm bảo việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, mang tính tập trung, hình thành rõ nét hơn từng khu vực với từng thế mạnh sản phẩm, thế mạnh thương hiệu. Phát triển thương hiệu du lịch biển cũng cần dựa vào hiệu ứng các thương hiệu điểm đến, sản phẩm cụ thể đã được thị trường biết đến mà các địa phương ven biển đã từng bước gây dựng” - TS Đổ Cẩm Thơ phân tích.
Để dẫn chứng, TS Thơ lấy ví dụ: Vịnh Hạ Long được thị trường biết đến rộng rãi qua một quá trình phát triển, cũng sau hiệu ứng của cuộc bầu chọn kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cần được tiếp tục chiến dịch xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu để tiếp tục duy trì hiệu ứng này. Bên cạnh đó tạo ra cơ sở để mở rộng các giá trị thương hiệu khác về nghỉ dưỡng biển… để thế giới ai cũng biết về biển Việt Nam.
Các nhìn nhận quốc tế về các bãi biển, vịnh đẹp Việt Nam cần được các địa phương nhìn nhận như các động lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển ra nước ngoài. Sự phát triển liên tục và nhanh chóng cùng sự hoàn thiện về cảnh quan, môi trường của các bãi biển đẹp du lịch Việt Nam cũng là những yếu tố tích cực mà cần liên tục thông tin, cập nhật cho thị trường để họ có được sự nhìn nhận về một vùng biển đầy tiềm năng du lịch đang liên tục được khám phá.
Các lễ hội, sự kiện được tổ chức tại các địa phương ven biển có được tiếng vang cũng góp phần tham gia trong quá trình định vị thương hiệu du lịch biển Việt Nam, đó là các lễ hội gắn liền với biển như festival biển Nha Trang; lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nha Trang; thi thuyền buồm quốc tế tại Nha Trang, Bình Thuận; lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Bình Thuận… ngoài ra là các lễ hội khác như festival Huế, lễ hội Đêm rằm phố cổ Hội An…
Du lịch biển cũng được góp phần định vị thông qua các đặc trưng văn hóa cùng các tập tục từng vùng miền có biển với sự khác biệt từ Bắc đến Nam. Các giá trị ẩm thực truyền thống các vùng ven biển với các loài hải sản được chế biến theo các hương vị truyền thống cũng là những nét nhận biết quan trọng góp phần trong việc phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam.
CƠ HỘI VÀNG TỪ APEC VIETNAM 2017 Theo TS Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, năm 2017 được xem là “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch biển đảo. Với vai trò chủ nhà APEC 2017, tại các phiên họp ở thành phố ven biển, Việt Nam luôn tranh thủ giới thiệu thắng cảnh thiên nhiên, con người và cơ sở vật chất của các địa danh du lịch tới các đại biểu tham dự. |
An An