Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai
Ngày 4/5, tại Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai”. Diễn đàn nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, ngành năng lượng vốn là ngành hạ tầng, giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mức tăng trưởng điện năng thương mại trong 15 năm gần đây đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu năng lượng tăng cao, bên cạnh đó là các ràng buộc về mặt môi trường, nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng… Cụ thể, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Trước thực trạng đó, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho rằng, chiến lược năng lượng Việt Nam cần dựa trên một số vấn đề trọng tâm, đó là áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong nước; đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Làm rõ hơn về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều đại biểu cho rằng việc huy động mọi nguồn lực, phát triển năng lượng tái tạo với giá cả hợp lý, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo lộ trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong những năm sắp tới… Nhu cầu năng lượng nước ta hiện tại đang phát triển nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 -2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây; dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%. Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng dẫn đến không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường… Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%...
Do vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí…
Nhiều chuyên gia tại diễn đàn bày tỏ quan điểm, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung-cầu năng lượng. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành “cổ điển” tiêu tốn tài nguyên và năng lượng; hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo Đại diện Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương, ngoài việc đảm bảo nguồn cung năng lượng bằng cách phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống nguồn năng lượng điện, khí, than, năng lượng sạch thì cũng cần đánh giá lại về xu thế trong sử dụng năng lượng trên thế giới, áp dụng các công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như xu hướng sử dụng xe ô tô vận hành bằng năng lượng điện, tòa nhà thông minh…
Đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, ở thời điểm hiện nay khi năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng điện năng, ảnh hưởng không lớn đến giá điện nhưng trong dài hạn, đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng nhất định đến giá điện bao gồm: Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng; chi phí nhiện liệu, vận hành - bảo dưỡng; Các khoản thuế phí, bảo vệ môi trường. Ngoài ra là cơ chế cạnh tranh trong thị trường điện, chi phí trả cho các nguồn năng lượng tái tạo… Bởi vậy, có thể nói việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ đạt lợi ích không chỉ đối với bảo vệ môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm bớt nhập khẩu năng lượng.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng khi nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh nhu cầu cũng như các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ đã gây áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Để giải quyết vấn đề năng lượng của đất nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách theo 2 hướng tiếp cận là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm hiệu quả, hai là áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng phục vụ cho nhu cầu năng lượng…
Thời gian tới, trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Trong đó, nhiệt điện than được đánh giá là nguồn năng lượng chủ lực, vấn đề được quan tâm nhất là phát triển nhiệt điện than phải giải quyết được các vấn đề về môi trường.
Minh Châu