Góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón
Phân cấp quản lý phân bón cho địa phương; dẹp nạn sản xuất phân bón theo công nghệ thô sơ; phải có phòng khảo nghiệm để kiểm tra chất lượng đầu vào và đầu ra… đó là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh; Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cùng đại diện Vụ Pháp chế, Hiệp hội phân bón, Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực phía Bắc; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón; các tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón.
Thực hiện Nghị định số 15/2017/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản số 2000/VPCP-NN ngày 7/3/2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia lĩnh vực phân bón xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định. Sản xuất phân bón trong nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn dư thừa và hệ thống nhà máy sản xuất phân bón được xây dựng hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống phòng kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón được xây dựng khá nhiều với 79 phòng kiểm nghiệm, công nhận cả phân bón vô cơ và hữu cơ.
Tuy nhiên, Nghị định 202 còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng. Tính đến thời điểm 1/1/2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng trên thực tế có khoảng 10.000 sản phẩm. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng không kiểm soát được chất lượng trở nên khá phổ biến. Vấn đề khảo nghiệm thiếu tính pháp lý, chưa đầy đủ, chưa bảo đảm cơ sở khoa học; nhiều nhà máy sử dụng công nghệ thô sơ, lạc hậu; việc sử dụng phân bón không hiệu quả, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất… Hơn nữa Nghị định 202 tập trung vào công tác hậu kiểm nhưng chưa thực hiện được nhiều.
Toàn cảnh hội nghị |
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh: Điểm mới của dự thảo Nghị định sẽ quy định về quản lý phân bón, bao gồm từ việc đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất cho đến đóng gói, buôn bán, xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng, sử dụng phân bón ở Việt Nam (trừ phân hữu cơ truyền thống do các tổ chức, cá nhân sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại).
Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến phân bón tại Việt Nam, bảo đảm tính kế thừa, hạn chế những tồn tại, giải quyết những vướng mắc và đồng bộ với những quy định khác về quản lý phân bón tại Việt Nam, qua đó từng bước góp phần lập lại trật tự thị trường phân bón.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các điều khoản quy định trong dự thảo Nghị định lần này cần được xây dựng chặt chẽ để các doanh nghiệp sản xuất phân bón, cả vô cơ và hữu cơ phải tuân thủ theo đúng pháp luật, tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ồ ạt tiêu thụ trên thị trường như trong thời gian qua.
Ngoài ra, các quy định về điều kiện kinh doanh cũng phải được quy định cụ thể hơn, một mặt để nâng cao chất lượng phân bón, mặt khác cải thiện năng lực cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước, hướng đến xuất khẩu phân bón sang các thị trường phát triển.
Về điều kiện sản xuất, đóng gói, buôn bán phân bón, các đại biểu cho rằng, các địa điểm, sản xuất, diện tích nhà xưởng cần phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất bắt buộc phải có phòng thử nghiệm hoặc phải có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng đối với sản phẩm phân bón được sản xuất ra và đánh giá tác động về môi trường.
Với tinh thần trách nhiệm, đóng góp, tham gia ý kiến với sự đồng thuận cao của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nghị định mới được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối trong sản xuất kinh doanh phân bón. Nghị định này sẽ tập trung làm cụ thể, chi tiết các vấn đề phân công, phân cấp trong quản lý phân bón, khảo nghiệm, sản xuất, đóng gói phân bón, điều kiện kinh doanh, quy định đặt tên và nhãn mác phân bón. Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng luôn, không cần thêm thông tư hướng dẫn. Doanh nghiệp sẽ có 24 tháng để chuẩn bị thực hiện theo đúng Nghị định mới.
Dự thảo Nghị định Quản lý phân bón gồm 55 điều, 9 chương, 6 phụ lục. Dự kiến sau khi lấy ý kiến góp ý tiếp tại khu vực miền Trung và miền Nam, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Nguyễn Hoan