Cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều
Số liệu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố mới đây cho thấy, số người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp sau khi ra trường đang gia tăng. Đây không phải câu chuyện mới, song tình trạng này gây lãng phí lớn cho xã hội.
Có kỹ thuật cũng thất nghiệp
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý IV/2016 do Bộ LĐ-TB&XH công bố cuối tháng 3-2017, tình trạng thất nghiệp nói chung giảm nhẹ cả về số lượng cũng như tỷ lệ. Đáng chú ý là thất nghiệp tăng ở nhóm có trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, quý IV/2016, cả nước có 1,11 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 7,7 nghìn người so với quý III/2016, nhưng tăng 58,4 nghìn người so với quý IV/2015. Trong số những người thất nghiệp, có 471 nghìn người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%), nhiều người ở nhóm trình độ đại học trở lên (218,8 nghìn người, tăng 16,5 nghìn người so với quý trước) tiếp theo là nhóm cao đẳng (124,8 nghìn người, giảm 5,9 nghìn người) và trung cấp (70,2 nghìn người, giảm 14,1 nghìn người).
Hàng trăm người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (ảnh minh họa) |
Chị Vũ Thị T (23 tuổi, quê Bắc Giang) tốt nghiệp Khoa Ngữ văn một trường đại học ở Hà Nội hơn một năm nay nhưng không xin được việc làm, chị cho hay: “Ngày vừa tốt nghiệp, gia đình em huy động tất cả các mối quan hệ để xin cho em vào dạy ở bất kỳ trường nào, miễn là có việc làm và được gần nhà. Nhưng thật bất ngờ là họ ra giá cả đống tiền mà cũng chưa chắc đã xin được việc, cộng với việc lương bèo bọt nên em quyết định trở lại thành phố thử vận may. Nhưng cũng chẳng đâu vào đâu”.
Theo T kể, chỉ trong vòng nửa năm, cô đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên bán hàng, đến nhân viên phục vụ, lễ tân khách sạn... cũng chỉ với mức lương đủ ăn chứ chưa nói đến việc dành tiền cho bố mẹ ở quê. “Ban đầu em nghĩ mình còn trẻ nên cứ mạo hiểm, tự đi tìm cơ hội nên lên thành phố tìm việc. Ai ngờ không tìm được mà giờ lại làm những việc chẳng cần học hành cũng có thể làm tốt. Giá mà ngày trước em được định hướng nghề nghiệp thì có lẽ bây giờ không phải vất vả như thế này” - T nói.
Tương tự như trường hợp của T, bạn Nguyễn Thu N (24 tuổi, quê Hưng Yên) tốt nghiệp cử nhân ngành Kế toán của Trường Đại học Công đoàn (Hà Nội) loại khá, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. “Dường như vận may chưa mỉm cười với em” - N cho biết.
Theo N thì, sau khi tốt nghiệp, cô cầm hồ sơ chạy đến nhiều cơ quan, công ty tư nhân để xin việc, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. Mấy tháng trời chạy đi chạy lại làm hồ sơ tuyển dụng rồi đi phỏng vấn khiến cô bị khủng hoảng. Bởi khi đến phỏng vấn, nhà tuyển dụng không chỉ đòi hỏi ở điểm số trên tấm bằng, mà cái họ cần là kinh nghiệm và những kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp mới đáp ứng yêu cầu của họ. Mà tất cả những thứ đó đối với một sinh viên vừa ra trường như cô thì không có.
Không kinh nghiệm, không mối quan hệ khiến N không thể xin được việc làm ở thành phố. Chán nản và mệt mỏi, cô gái người Hưng Yên bỏ về quê với bố mẹ. Chính những ngày tháng ở quê, N được người thân khuyên đi học nghề chăm sóc tóc. Sau mấy tháng, cô đã tự mở tiệm làm tóc tại nhà, dù lượng khách tăng giảm theo mùa, song thu nhập vẫn đủ để cô chi trả các khoản phí. “Dù nghề làm tóc có vất vả hơn chút so với làm văn phòng, nhưng ít ra cũng tự mình làm chủ và không mang nỗi lo nơm nớp bị đuổi việc bất cứ lúc nào” - N vui vẻ nói.
Trước thực trạng hàng trăm nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do lương thấp. Điều này có vẻ đúng khi hàng trăm cán bộ cấp cơ sở ở tỉnh Hậu Giang xin nghỉ việc trong năm 2016 cũng vì lý do này. Theo tìm hiểu, các cán bộ xin nghỉ việc ở tỉnh Hậu Giang chỉ được hưởng phụ cấp 0.95 của mức 1.250.000 đồng/tháng. Trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, còn lại 1.030.000 đồng. Ngoài ra, xã có hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng, cộng các khoản thu nhập trong tháng là 1.230.000 đồng. Với khoản thu nhập như vậy, các cán bộ không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên nhiều người phải bỏ công việc đi làm ăn xa.
Mặc dù rất xót xa trước thực trạng này, nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết Vân - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vẫn thừa nhận rằng, đa số cán bộ cơ sở xin nghỉ việc đều có bằng từ cao đẳng đến đại học, rất ít trường hợp chỉ tốt nghiệp cấp III và đa số họ đều là đảng viên.
Học theo phong trào
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, TS Đặng Quang Điều - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động khóa XI, Trưởng ban Chính sách, Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: “Những con số mà Bộ LĐ-TB&XH công bố đã phản ánh đúng thực tế trong việc đào tạo thời gian qua ở Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta vẫn đang tồn tại tâm lý thích làm “quan”, “sính” bằng cấp, ai cũng cố gắng học đại học và muốn cho con học đại học. Tuy nhiên, đây cũng là con số không vui và nó phản ánh sự lãng phí lớn hiện nay là tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian học đại học, nhưng ra trường rồi lại đi làm việc như công nhân”.
Cũng theo TS Đặng Quang Điều, con số mà Bộ LĐ-TB&XH công bố cho thấy, thực trạng đào tạo của nước ta đang còn nhiều vấn đề, nhất là đào tạo không dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, mà đào tạo và học đều theo phong trào. Trong khi doanh nghiệp đang rất cần lao động có trình độ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề, nhưng những người đi học nghề lại rất ít, mọi người đổ xô đi học đại học.
“Vì vậy có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ và cuối cùng thì thầy đành phải cất bằng để đi làm việc của thợ. Thực tế này đã kéo dài hàng chục năm nay và bây giờ xã hội mới đang cảm nhận được những bất cập này” - TS Đặng Quang Điều nói.
Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên, TS Đặng Quang Điều cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên là tư duy của người dân chưa thay đổi, vẫn tư duy sính bằng cấp, thích làm quan. Nhiều bậc phụ huynh cố gắng cho con đi học đại học bằng được, thi vào đại học có trượt thì lại ôn thi tiếp cho đến khi nào đỗ mới thôi. Thứ hai là công tác phân luồng trong giáo dục còn nhiều hạn chế, bất cập; đã đi học là phải học đến lớp 12 rồi vào đại học mà chưa phân luồng cuối mỗi cấp học. Thứ ba, giáo dục hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi ở nhiều nước, họ chú trọng xây dựng các trung tâm hướng nghiệp. Ngay từ cấp I học sinh đã được hướng nghiệp, học sinh tiểu học đã được giới thiệu, định hình về nghề nghiệp”.
Theo TS Điều, các sinh viên cần chủ động học hỏi, va chạm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì mới có được công việc ngay khi ra trường. Nhưng cũng phải thay đổi tư duy, suy nghĩ sính bằng cấp, thích làm thầy mà không muốn làm thợ thì mới có được công việc đúng ngành, nghề sau khi ra trường.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, TS Đào Quang Vinh cho biết, nhiều sinh viên ra trường phải mất từ vài tuần đến 6 tháng đào tạo thêm các kỹ năng, kỹ thuật thì lúc đó mới tiếp cận làm việc được. Điều này cho thấy, chương trình đào tạo và kỹ thuật đào tạo ở trong nhà trường chưa theo kịp được những nhu cầu về tuyển dụng, nghề nghiệp, yêu cầu về kỹ năng, kiến thức làm việc trong các doanh nghiệp… |
Song Nguyễn - Chu Phượng