Bát nháo thị trường hóa chất, phụ gia thực phẩm
Tình trạng lạm dụng hóa chất công nghiệp, chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi còn khá tùy tiện, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang dư luận xã hội.
Bất cập trong quản lý hóa chất
Theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương, rất nhiều loại hóa chất độc hại nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo khi lưu hành trên thị trường.
Việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, được lưu giữ tại bên mua và bên bán. Trên phiếu kiểm soát phải thể hiện tên, địa chỉ người bán, người mua, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, thông tin về hóa chất sử dụng và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, ở nhiều cửa hàng bán hóa chất công nghiệp vẫn phớt lờ các quy định này.
Một trong số những cửa hàng mua bán hóa chất ở Hà Nội. |
Tại một số cửa hàng kinh doanh hóa chất trên phố Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Buồm, Nguyễn Khoái, Đức Giang... đều buôn bán chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp; hóa chất làm sơn, vôi ve quét tường; các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón vô cơ cũng được bày bán công khai. Đây là các hóa chất dùng rất phổ biến, có nguồn gốc xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc và được bán với giá khá rẻ.
Thậm chí, các loại hóa chất, phụ gia công nghiệp và hóa chất, phụ gia thực phẩm được bày bán lẫn lộn, không nhãn mác. Nhưng tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả của hai loại phụ gia này là hoàn toàn khác nhau. Do hóa chất được dùng trong thực phẩm và chăn nuôi đòi hỏi độ tinh khiết và tiêu chuẩn chất lượng cao, điều kiện sản xuất khắt khe hơn nhiều so với hóa chất công nghiệp, nên có sự chênh lệch rất cao giữa hai mặt hàng trên. Vì thế, một số công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thường mua hóa chất công nghiệp về sử dụng để tiết kiệm chi phí đầu vào...
Theo Thượng tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49, Công an Hà Nội), việc quản lý các cửa hàng kinh doanh sơn, keo, dung môi, hóa chất, nhựa đường, bột bả… ở Hà Nội cũng đang là vấn đề mà cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Bởi việc nhập khẩu, kinh doanh các loại hóa chất công nghiệp không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp.
Thượng tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49, Công an Hà Nội). |
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, dù trên thùng sản phẩm hóa chất công nghiệp đều khuyến cáo chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Thế nhưng, các công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất vật tư thủy sản... một phần do thiếu hiểu biết, phần vì cố tình mua và sử dụng sai mục đích để kích thích sự tăng trưởng nhanh của vật nuôi. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các loại hóa chất. Các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, xử lý các loại hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ và xử lý vi phạm khi phát hiện các cơ sở sử dụng chất cấm trong thực phẩm.
Báo động tình trạng sử dụng hóa chất trong chăn nuôi
Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra và phát hiện một loạt công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng các hóa chất công nghiệp như: NaHCO3, MgSO4, MnSO4, CuSO4. FeSO4, CaCO3… là những chất dùng để sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghiệp giấy. Đáng lưu ý, trong các hóa chất trên còn lẫn nhiều tạp chất nguy hiểm khác để trộn vào thức ăn cho vật nuôi.
Đơn cử, ngày 12/11/2016, Đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát Môi trường, Cục Chăn nuôi đã tiến hành thanh tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương). Đoàn công tác đã phát hiện công ty sử dụng chất vàng ô, một chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tại xưởng sản xuất, đoàn kiểm tra đã tịch thu và niêm phong 14 kg chất vàng ô được sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Doanh nghiệp cho biết đã sử dụng hết 46 kg chất cấm, mua ở phố Hàng Buồm (Hà Nội). Với tỷ lệ trộn 200 gram mỗi tấn thức ăn, công ty này đã đưa gần 400 tấn thức ăn chăn nuôi ra thị trường.
Cũng trong năm 2016, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã kiểm tra 94 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Cơ quan chức năng phát hiện 23 tổ chức, cá nhân vi phạm; buộc tiêu hủy 15.400kg thức ăn chăn nuôi với trị giá 100 triệu đồng và buộc chuyển đổi mục đích sử dụng 555kg thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung vì ghi nhãn mác sai quy định...
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho hay, việc sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào chăn nuôi và thủy sản là một điều cực kỳ nguy hiểm, gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm động vật này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đồng thời gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc, có thể gây ung thư khi trong cơ thể tích tụ hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.
Tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đang ở mức báo động đỏ ở Việt Nam. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng lương thực phẩm mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, tương lai của cả cộng đồng. Do đó, việc cấp bách cần tập trung xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, cần phải có biện pháp xử phạt nghiêm các trường hợp buôn bán, kinh doanh hóa chất thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia… tràn lan trên thị trường hiện nay.
Đông Nghi - Chu Phượng