Dân tộc chiến binh ở đại ngàn Trường Sơn
Từ ngàn năm nay, dưới những tán cây rừng và ven theo các con suối ở Trường Sơn, có một dân tộc được coi là thiện chiến bậc nhất ở vùng đại ngàn này. Đó là dân tộc Cơ Tu, hay có tên gọi khác là người Ca Tu. Trong những bản làng Cơ Tu nằm chon von bên sườn dãy Trường Sơn, không thiếu những ngôi nhà mà đầu và da muông thú treo kín trên trần. Họ từng có tục “săn máu” để tế thần; có phương thức bí truyền để làm cung nỏ và cả những mũi tên độc... Nhưng tất cả đã là chuyện của quá khứ - một quá khứ đầy máu và chết chóc, cùng những hủ tục xa lạ với nền văn minh.
Săn máu tế thần
Trong cuốn “Những kẻ săn máu” của lính viễn chinh Pháp tên Le Pichon xuất bản vào năm 1938, đã đề cập đến tục “săn máu, lấy đầu người” của dân tộc Cơ Tu. Hồi ký của Quách Xân cũng từng đề cập đến tục lệ kinh hoàng này với cái tên “giặc mùa”.
Trong cuốn “Ka Tu - Kẻ sống đầu ngọn nước”, NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2004 do Nguyễn Hữu Thông chủ biên có viết: “Săn máu, săn đầu - vốn là dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử xã hội nhiều tộc người. Trong loại hình tín ngưỡng sơ khai này, máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm dẫn chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tiền đề của sự no ấm. Với quan niệm như vậy, nên khi bắt đầu mùa vụ, người Cơ Tu tiến hành nghi thức săn máu, đâm người bằng những mũi lao dài, sau đó mang về cắm trên khu đất sản xuất, làm lễ cúng Giàng... với mong ước mùa sau thóc sẽ đầy kho, rượu đầy ché, không còn bị đói, bị lạt do không có muối nữa”.
Vậy tục lệ săn máu kinh hoàng kia, cụ thể là thế nào và có thật không, hay chỉ là những lời đồn đại giống như chuyện người Mông Xanh ăn thịt người ở tít mạn biên giới phía Bắc?
Lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu. Họ dùng lễ hội này để dâng máu lên Giàng |
Trong những lần lang thang ở vùng cao Quảng Nam, tôi từng đem câu chuyện đầy ám ảnh và chết chóc này hỏi các già làng Cơ Tu. Già làng Bríu Prăm ở làng Bhoong, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang trước khi về với Giàng, đã nói với tôi chuyện này là có thật, nhưng từ lâu lắm rồi, nay không còn nữa. Qua lời kể của già Bríu Prăm và những câu chuyện cóp nhặt được dọc vùng cao Quảng Nam, có thể mường tượng về tục lệ chết chóc này như sau:
Trước đây, người Cơ Tu sống chỉ biết đến bản làng mình đang ở, không biết đến những bản làng khác, dù có chung nguồn gốc. Và trận chiến giữa các bản làng xảy ra là do những hận thù chồng chất trong vòng xoay “nợ máu phải trả bằng máu” từ đời này qua đời khác và cả những thỏa mãn tâm linh với ước muốn lấy máu cúng Giàng, để Giàng phù hộ cho một đời sống ấm no, không bệnh tật. Dân tộc Cơ Tu là một dân tộc kỳ lạ, trước đây họ coi máu như sợi dây nối con người với thần linh. Trong làng xảy ra hỏa hoạn, họ nghĩ đến máu cúng Giàng; trong làng xảy ra bệnh tật, họ cũng nghĩ đến máu cúng Giàng. Và mỗi lần như thế lại xảy ra những trận chiến đẫm máu, bắt đầu cho một vòng xoáy chết chóc.
Trong trí nhớ của những già làng Cơ Tu, trận chiến kinh hoàng nhất là trận chiến năm 1952 giữa người Ve ở làng Đắk Nông (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) và người Cơ Tu ở làng Pà Tôi (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Già A lăng Avel ở bản Tà Làng, xã Bhalee, huyện Tây Giang, Quảng Nam kể, mùa xuân năm 1952, có hai lái buôn người Ve đến buôn bán trao đổi tại làng Pà Tôi. Theo lệ làng, dân làng Pà Tôi cho hai người này nghỉ tại nhà Gươl của làng, nhưng dân làng nhìn thấy trong gùi của hai người này chông tre và lưỡi mác. Chưa biết chông tre và lưỡi mác để làm gì, nhưng người làng Pà Tôi họp khẩn ngoài bìa rừng và mọi người đều nghĩ hai người Ve giả dạng thương lái đến làng săn đầu người. Và hai người này bị giết lấy đầu, rượu đổ tràn khắp làng và những chén máu được dâng lên Giàng.
Tin hai người làng của mình bị giết bay đến làng Ve ở làng Đắk Nông, người làng này vô cùng căm phẫn và kéo hàng chục người với giáo mác xuống làng Pà Tôi trả nợ máu. Nhưng sau khi lấy đầu hai người thương lái kia, làng Pà Tôi đã dựng chông, chuẩn bị đầy đủ vũ khí để phòng thủ nên thanh niên làng Ve bị chống trả quyết liệt. Không săn được người làng Pà Tôi, người Ve đã sát hại một lúc sáu người của làng Tà Col ngay gần đó. Săn máu là tục lệ kinh hoàng, nhưng cũng có những luật lệ riêng. Nghĩa là bị nợ máu bao nhiêu người, thì đòi nợ máu chỉ bằng từng đấy người. Cuộc sát hại sáu người làng Tà Col như một sự vi phạm về luật lệ đã tồn tại hàng trăm năm nay giữa đại ngàn. Người làng Tà Col mài giáo mác, tập trung lực lượng để tiến về làng Ve đòi nợ máu. Người Ve thì chưa lấy được đầu chiến binh Pà Tôi, nên vẫn ẩn nấp sau những gốc cây, những khe, những suối để phục kích người làng Pà Tôi.
Đêm cũng như ngày, không khí thù hận tràn ngập cả vùng. Chẳng ai dám lên nương, chẳng ai dám ra khỏi làng. Sau nhiều đêm rình rập và những trận chiến kinh hoàng, người làng Ve cũng lấy được hai cái đầu của dân bản Pà Tôi. Cuộc chiến trả thù cứ thế tiếp tục với vòng xoáy nợ máu trả bằng máu. Biết tin, chính quyền huyện Giằng (huyện Nam Giang, Quảng Nam ngày nay) phải cử một đoàn cán bộ và lực lượng vũ trang lên Đắk Nông để giảng hòa, nhưng dân làng Đắk Nông không nghe, lại còn đòi đưa giáo mác đến lấy đầu cán bộ. Lúc này, ở trong vùng có già Niu đã đứng lên, với uy tín của mình để thương thuyết với các bên để giảng hòa.
Sau một tháng thương thuyết, dân làng Đắk Nông đồng ý cho hai người làng mình đã lấy đầu dân Pà Tôi là A Khớp và Bắp Ngo về chịu tội, nhưng với điều kiện tính mạng phải được an toàn. Lại mất thêm một tháng thuyết phục với nhiều bữa rượu đổ tràn như suối, dân làng Pà Tôi, Tà Col và làng Ve mới đồng ý làm hòa. Và vẫn phải có máu để cúng lên Giàng, vậy là một lễ hội tắm máu trâu được diễn ra sau đó, kết thúc hận thù với hàng chục mạng người. Sau trận chiến kinh hoàng ấy, tục săn máu đã giảm và không còn, nhờ những lần thuyết phục của chính quyền địa phương thời bấy giờ. Máu người dâng lên Giàng được thay bằng máu trâu và máu dê. Đến đầu năm 2017, người Cơ Tu cũng không còn đâm trâu sống mỗi dịp tết đến xuân về nữa; thay vào đó là trâu giả tượng trưng. Tết vừa rồi, huyện Tây Giang (Quảng Nam) có 90 làng Cơ Tu đã bỏ tục đâm trâu. Đây có thể coi như là dấu chấm hết cho những ràng buộc tâm linh liên quan đến máu của dân tộc Cơ Tu, một dân tộc chiến binh của đại ngàn Trường Sơn.
Pananh và ch’pơơr
Dân tộc Cơ Tu là một dân tộc chiến binh, vì vậy họ có những bí quyết sáng tạo vũ khí làm nên sức mạnh cho dân tộc mình. Một trong những thứ đó là pananh và ch’pơơr. Pananh là cách người Cơ Tu gọi chiếc nỏ của dân tộc mình, còn ch’pơơr là thứ mủ độc bí truyền bôi lên những mũi tên lồ ô. Ch’pơơr được coi là chất kịch độc, chỉ có thể kiếm được từ thượng nguồn những con thác và không phải bàn tay Cơ Tu nào cũng có thể chế tạo ra thứ mủ độc ấy. Pananh và ch’pơơr như hai bảo vật, tượng trưng cho sức mạnh bảo vệ người Cơ Tu khỏi thú dữ, những cuộc chiến giữa các buôn làng và cả cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông Bríu Thiện bên chiếc pananh bắn hổ của cha mình |
Nếu như ở Tây Nguyên có Anh hùng Núp, thì người Cơ Tu Quảng Nam có Anh hùng Clâu Nâm, người dũng sĩ huyền thoại diệt Mỹ không cần súng. Anh hùng Clâu Nâm hạ cả trăm tên giặc, chỉ với panang và ch’pơơr. Trận chiến đáng nhớ nhất của ông là vào năm 1964, một mình ông với cây pananh và bó tên tẩm ch’pơơr đã đột kích tiêu diệt 2 tên địch trong đồn. Sau đó ông cướp súng, phá vỡ điện đàm rồi tiếp tục hạ thêm được 15 tên khác ở thôn Men, xã Cà Dăng. Vậy bí quyết nào làm nên sức mạnh của pananh và ch’pơơr?
Ở Tây Giang, có một làng được coi là làng của những người thiện xạ, ở đó lưu giữ bí quyết làm nên pananh huyền thoại, danh tiếng của người Cơ Tu. Đó là làng Bhoong, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Ngôi làng này nằm giữa rừng Trường Sơn, trước kia là lãnh địa của thú dữ. Trong làng vẫn còn lưu giữ chiếc pananh của già Bríu Cơ Tí’r từng hạ hổ chỉ bằng một mũi tên. Già Bríu Cơ Tí’r đã mất, nhưng huyền thoại về người đàn ông bắn tên trăm phát trăm trúng vẫn còn lưu lại tại mảnh đất này.
Ngôi nhà xưa của già Bríu Cơ Tí’r nằm ở giữa làng Bhoong, bây giờ do con trai già là Bríu Thiện trông coi. Trên chái nhà, những sọ thú được treo dày đặc; đây là thành quả có được sau khi trải qua biết bao nhiêu mùa đi săn. Nhưng chiến tích huyền thoại nhất của già Bríu Cơ Tí’r bắn hạ hổ dữ chỉ bằng một mũi tên. Người làng kể lại rằng, hôm đó Bríu Cơ Tí’r vào rừng săn sóc, chỉ mang theo một cái pananh và một bó tên tẩm ch’pơơr. Khi gặp con hổ ở ven bờ suối, con hổ đập đuôi xuống đất lấy đà vồ ông. Né được cú vồ hóc hiểm và bất ngờ, Bríu Cơ Tí’r bắn ch’pơơr vào yết hầu con hổ. Con hổ chết ngay sau đó. Ông là người Cơ Tu duy nhất hạ được hổ chỉ bằng một mũi tên. Sau chiến công ấy, chiếc pananh của ông được trả giá một con bò đực. Nhưng ông không bán, trao lại cho con trai là Bríu Thiện. Ông Bríu Thiện cũng là một người bắn nỏ kỳ tài. Ông đã giành được 5 Huy chương Vàng cấp tỉnh, còn Huy chương Bạc và Đồng thì nhiều không nhớ nổi.
Trong cộng đồng người Cơ Tu hiện nay, người biết làm pananh còn khá nhiều, nhưng người làm được ch’pơơr lại cực kỳ hiếm. Khắp các huyện vùng cao Quảng Nam, có lẽ bây giờ chỉ còn già làng Y Kông ở Đông Giang là còn biết rõ về chất mủ kịch độc này. Già Y Kông bảo, ch’pơơr là chất thiêng bí truyền của dân tộc mình, chỉ có người trong tộc mới được biết. Và khi biết vậy, nhưng chưa chắc đã làm được. Già Kông kể, muốn chế tạo ch’pơơr phải lên thượng nguồn các con thác lớn, kiếm một loại cây đặc biệt và lấy mủ từ cuống lá của cây này. Phải nhớ là chỉ ở cuống lá, còn ở thân cây hay các bộ phận khác đều không có tác dụng. Mủ cuống lá cây này khi lấy về, phải trải qua một quá trình nấu kỹ, phơi sương... rồi cho thêm nọc rắn, bồ hóng hoặc thêm mủ cây sơn rừng. Sau đó hai ngày cô đặc thành một thứ mủ đen. Đó là ch’pơơr. Khi đi săn hay giao chiến, lấy ch’pơơr tẩm vào đầu mũi tên. Già Y Kông chỉ vào một mũi tên đã tẩm ch’pơơr rồi bảo: “Nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng lợn rừng hay hổ, gấu mà dính tên này cũng không sống nổi quá 5 phút”. Đến bây giờ, chỉ người già Cơ Tu là còn biết cách làm ch’pơơr, vì người Cơ Tu cũng đã không còn đi săn và các cuộc giao chiến cũng chẳng còn. Nhưng họ vẫn lưu giữ thứ chất kịch độc này, như nâng niu một bảo vật đã làm nên danh tiếng của một dân tộc thiện chiến, bảo vệ cha ông họ trước thú dữ và kẻ thù.
Khắc tinh của thú rừng
Dân tộc Cơ Tu là dân tộc từ ngàn xưa đã sinh sống dưới đại ngàn Trường Sơn. Trong thế giới của rừng thiêng nước độc thì bản năng sinh tồn luôn được đề cao. Họ đã sáng tạo ra pananh, ra ch’pơơr để làm công cụ sinh tồn. Họ dùng những thứ đó để chống lại kẻ thù, thú dữ hoặc chủ động đi săn để kiếm thực phẩm về cho gia đình. Ở các bản làng vùng cao Quảng Nam, không thiếu những chái nhà đầy sọ và xương động vật. Người Cơ Tu giờ không còn đi săn nữa, nhưng đó giống như một niềm tự hào một thời của những người thợ săn trên đỉnh Trường Sơn.
Nhà già làng Alăng Chúc nằm cạnh con sông R’lang, ngay phía dưới nhà Gươl thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây, Đông Giang, Quảng Nam. Già Alăng Chúc đã ngoài 70 tuổi, ông cũng đã ngừng săn thú hơn 20 năm, nhưng ký ức về những tháng ngày ăn núi nằm sương, phục bắn con gấu, con mang vẫn còn vẹn nguyên trong ông.
Ông kể, đi săn bắn vốn là một tập tục lâu đời của người Cơ Tu. Thú rừng là nguồn thức ăn đáng kể cho người Cơ Tu, ngoài ra còn để dành dự trữ cho mùa mưa hoặc những ngày giáp hạt. Thông thường, đến tuổi 13, 14, các chàng trai Cơ Tu đã theo cha, anh vào rừng học săn bắn. Mỗi cuộc đi săn thường kéo dài 3, 4 ngày đến gần nửa tháng, tùy theo lượng thức ăn mà họ kiếm được và nguồn lương thực mang theo. Ngoài pananh, pr’loh (ống thổi tên), giáo mác dùng để đi săn, người Cơ Tu còn sử dụng rất nhiều loại bẫy. Bẫy chông, tức là sử dụng hầm chông, thân cây gắn chông để đặt thú, hoặc bẫy thò, sử dụng một hay nhiều thân nứa thật sắc, gắn vào một hệ thống lẫy hình cánh cung được uốn từ các thanh tre, nứa. Khi thú rừng mắc phải, sẽ bị chông hoặc các thanh nứa đâm xuyên cơ thể.
Mùa đi săn của người Cơ Tu trải dài suốt năm. Chỉ đến khi mùa mưa, khi nước các con suối dâng cao không đi được, hoặc vào mùa làm rẫy thì họ mới ở nhà lo công việc. Đôi chân trần của những người đàn ông Cơ Tu đi hết ngọn núi này đến cánh rừng khác, đặt bẫy, làm chông, săn con chim, con thú. Người Cơ Tu đi săn chia thành từng nhóm nhỏ, dùng pananh hoặc ống pr’loh để bắn thú hoặc chim. Còn khi săn những con thú lớn, nguy hiểm như heo rừng, thậm chí gấu… thì mũi tên bao giờ cũng tẩm một ít chất độc ch’pơơr. Những con thú hiền hơn như con chim, con nai, con mang thì dùng tên không tẩm độc. Già Alăng Chúc kể, có đợt ông đi chỉ vài ba ngày, nhưng có đợt đến gần nửa tháng. Nhiều khi, săn được con heo, con mang to quá, ông phải về làng để gọi dân làng lên giúp đưa thịt về, mất gần cả tuần lễ. Trên chái nhà ông, những chiếc sọ thú rừng treo kín nóc nhà: nhỏ thì con sóc, con chồn, lớn thì con heo rừng, con mang… Ông kể, trong những chiếc sọ thú treo trong nhà, cái lớn nhất là của một con heo rừng nặng gần 1 tạ. Bị trúng bẫy, nó cắn đứt lìa chân dính bẫy bỏ lại, ông phải cùng 3 người nữa dùng giáo dài đâm hàng chục phát nó mới chết. Lần đó, 4 người gùi thịt con heo đi mất hơn một ngày đường mới về đến làng, thịt được chia cho cả làng mừng săn được con thú lớn.
Đến bây giờ, ông Alăng Chúc vẫn còn giữ lại chiếc pananh của mình. Cánh nỏ đã thấm mồ hôi bóng nhẫy, còn dây nỏ thì đã thay đi thay lại hàng chục lần. Chiếc panang được treo giữa hàng trăm xương sọ thú, minh chứng cho một thời vật lộn với rừng già của ông Chúc, của người Cơ Tu.
Người Cơ Tu còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Catang, là một dân tộc thiểu số sống ở miền Trung Việt Nam và Hạ Lào. Người Cơ Tu nói tiếng Cơ Tu, một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn - Khơ Me. Theo Tổng điều tra nhà ở và dân số năm 2009, dân tộc Cơ Tu ở Việt Nam có khoảng 62.000 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cơ Tu cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam (45.715 người, chiếm 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Thừa Thiên - Huế (14.629 người, chiếm 23,8% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Đà Nẵng (950 người). Nam giới người Cơ Tu đóng khố, ở trần, đầu hoặc vấn khăn hoặc để tóc ngắn bình thường. Khố có các loại bình thường (không trang trí hoa văn và ít màu sắc), loại dùng trong lễ hội dài rộng về kích thước và trang trí đẹp với màu sắc và hoa văn trên nền chàm. Mùa rét, họ khoác thêm tấm choàng dài hai, ba sải tay. Phụ nữ Cơ Tu để tóc dài búi ra sau gáy hoặc thả buông. Xưa họ để trần chỉ buộc một miếng vải như chiếc yếm che ngực. Họ mặc váy ngắn đến đầu gối, màu xanh khoác thêm tấm chăn. Họ thường mặc áo chui đầu khoét cổ, thân ngắn tay cộc. Về kỹ thuật đây có thể là một trong những loại áo giản đơn nhất. Áo loại này chỉ là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi, khâu sườn và trừ chỗ tiếp giáp phía trên làm cổ. Khi mặc cổ xòe ra hai vai thoạt tưởng như áo cộc tay ngắn. Áo được trang trí ở vai, ngực, sườn, gấu, với các màu đỏ, trắng trên nền chàm. |
Thanh Hiếu