Ẩn họa tai nạn đường sắt
An toàn giao thông đường sắt đang là mối quan tâm đặc biệt của các ban ngành chức năng và toàn xã hội. Ngành Đường sắt đã có những đầu tư dài hạn trong công tác đảm bảo an toàn, tuy nhiên ý thức người tham gia giao thông chưa cao là tác nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt đáng tiếc trong thời gian qua.
Rúng động những vụ TNGT đường sắt
Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta trong những tháng đầu năm 2017 vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 43 vụ TNGT đường sắt, làm 37 người chết và 18 người bị thương.
Tai nạn xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh. Điển hình, vào khoảng 10h30 ngày 1/2, xe khách 16 chỗ mang biển kiểm soát 60M-3378 chở 10 người đang băng qua đường ray (đoạn gần cầu Ghềnh, phường Bửu Hòa, Đồng Nai) thì bị tàu hỏa số hiệu SQN1 chạy từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh đâm trúng.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Bắc Giang hôm 1/4 (ảnh: Vú Sữa) |
Gần đây nhất, vào hồi 10h30 ngày 1/4, tàu chở khách chạy tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn đã va chạm với một xe 7 chỗ mang biển kiểm soát Bắc Giang tại địa phận thôn Tân Thành (xã Phi Mô, huyện Lạng Giang). Vụ tai nạn khiến lái xe bị thương nặng, 1 người khác bị thương nhẹ.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt là do ý thức của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang dân sinh. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, đồng bộ cũng là một yếu tố liên quan trực tiếp đến các vụ TNGT đường sắt.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Trên thế giới, phần lớn các vụ TNGT đường sắt là do tàu trật bánh khỏi đường ray, trục trặc đèn tín hiệu. Tuy nhiên, ở nước ta nguyên nhân chính lại đến từ ý thức người tham gia giao thông.
Những vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng thường bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu ý thức, không tuân thủ quy định của người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang và lối đi dân sinh. Do đó việc để phát sinh lối đi dân sinh chưa được kiểm soát cũng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Ông Khuất Việt Hùng |
Hiện trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia có tới hơn 5.700 điểm giao cắt, trong đó có 1.516 đường ngang hợp pháp có cảnh báo và 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp. Chỉ trong 9 tháng của năm 2016, có tới 97% số vụ TNGT liên quan tới đường sắt xảy ra tại các đường ngang và lối đi dân sinh. Bởi vậy, việc bảo đảm ATGT tại hơn 4.000 lối đi dân sinh bất hợp pháp là vấn đề không đơn giản. Thậm chí, một số địa phương vẫn còn tình trạng phát sinh lối đi mới.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, để hạn chế các vụ TNGT đường sắt cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần tăng cường sự phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức có liên quan. Đồng thời, xây dựng quy định pháp luật về xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong bảo đảm hành lang ATGT đường sắt.
Bên cạnh đó, cần cung cấp giờ tàu kể cả tàu khách và tàu hàng địa phương tại vị trí giao cắt cho nhân viên cảnh giới. Với các lối đi bất hợp pháp cần cương quyết chấm dứt hoạt động.
Tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới, có phát sinh giao thông đường ngang, chính quyền địa phương phải hoàn thiện hồ sơ để lên phương án xây dựng đường gom dân sinh phù hợp đảm bảo an toàn cho người và không đe dọa tới an toàn của đường sắt.
Ngoài ra, cần kiên trì tuyên truyền giáo dục các quy định về ATGT đường sắt. Đưa nội dung, quy định về ATGT đường sắt vào các trung tâm đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và thường xuyên tập huấn đào tạo lại kỹ năng này trong các khóa lái xe nâng cao. Đối với nhóm người cố tình vi phạm cần áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Xuân Hinh - Đông Nghi