Lạng Sơn:
Ba người bị ngộ độc sau khi ăn nấm
Ngày 27/3, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang tích cực điều trị cho ba bệnh nhân (đều là người trong một gia đình ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) bị ngộ độc nấm.
Ngày 20/3, anh Chu Văn V. (30 tuổi) hái nấm trong rừng về nấu bữa trưa cho cả gia đình. Bữa trưa hôm đó, anh V. và ông Chu Văn M. (50 tuổi, bố anh V.) ăn nấm, số nấm còn dư mẹ anh V. là bà Hà Thị C. (52 tuổi) ăn vào bữa chiều.
Sau đó, cả ba người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, nôn ói rất nhiều, mệt mỏi, lờ đờ… nên được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân V. (ảnh: Mai Thanh) |
Ngày 22/3, cả ba được chuyển về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nguy kịch.
Tại bệnh viện, ba người trong gia đình anh V. được chẩn đoán bị tổn thương gan nặng, suy gan, suy thận cấp. Riêng ông M. bị ngộ độc nặng nhất, hôn mê, lẫn lộn ý thức, men gan rất cao, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết, suy thận.
Các bệnh nhân sau đó được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc, điều trị suy thận, làm thủ tục dẫn lưu mũi để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhận định, loại nấm gây độc cho ba bệnh nhân trên là loại nấm gây ngộ độc chậm, tùy thuộc vào lượng chất độc mà từ 6-40 giờ sau ăn bệnh nhân mới thấy xuất hiện triệu chứng.
Khi bị ngộ độc loại nấm này, nạn nhân thường rơi vào trạng thái rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm độc, viêm gan, phá hủy tế bào gan, hôn mê gan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo người dân không nên tự hái ăn các loại nấm ngoài thiên nhiên. Chỉ nên ăn các loại nấm được nuôi trồng và khi đã biết chắc nguồn gốc cũng như chủng loại nấm.
Việc dựa vào hình dáng bên ngoài của nấm để “đoán” nấm có độc hay không, hoặc tin rằng đã bị ngộ độc nấm một lần sẽ không bị nữa mà chủ quan sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Xuân Hinh (tổng hợp)