Dùng dầu cá khi mang thai khiến con thông minh hơn?
Nghiên cứu mới cho biết, bổ sung các loại thực phẩm chức năng có chứa dầu cá trong thời kì mang thai sẽ không giúp trẻ trở nên thông minh hơn.
Kết luận này được rút ra từ một cuộc thăm dò kéo dài suốt 7 năm nhằm nghiên cứu về việc bổ sung các nguồn DHA (axit docosahexaenoic) như một cách trấn an trong nửa cuối của thai kì.
DHA là một loại omega 3 thiết yếu, được tìm thấy trong mỡ cá thu, cá hồi hoặc cá ngừ. Nó cũng có trong các loại dầu cá.
“Kết quả quan trọng trong thí nghiệm này đó là IQ và trí tuệ của trẻ không hề được tác động bởi dầu cá” - Jacqueline Gould, tác giả của nghiên cứu cho hay.
Phân tích không tìm ra điểm khác biệt nào trong cách diễn đạt ngôn ngữ, khả năng học tập hay “khả năng tổ chức” của trẻ - đây là yếu tố giúp chúng lên kế hoạch, tập trung chú ý và giải quyết các vấn đề khi lên 7.
DHA rất quan trọng đối với sự hoạt động và phát triển của não bộ, Trung tâm Sức khỏe cộng đồng tại Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, “DHA không phải lúc nào cũng có tác dụng trên tất cả mọi người”, Susan Carlson, Giáo sư Dinh dưỡng học tại Đại học Kansas cho biết. “Đối với những trường hợp lạm dụng DHA trong quá trình mang thai sẽ thậm chí chẳng mang lại lợi ích nào cả”, bà nói.
“Mặt khác, có rất nhiều dữ liệu chứng minh được những lợi ích khác ngoài việc phát triển IQ”, Carlson cho biết.
Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng, sử dụng thực phẩm bổ sung DHA trong thai kì có thể làm giảm thiểu nguy cơ sinh non. Dù vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ, nhưng dầu cá hiện tại là thứ duy nhất được chứng minh là có thể can thiệp vào việc ngăn ngừa rủi ro sinh non.
Hơn thế nữa, một nghiên cứu khác của Đức cũng kết luận rằng, bổ sung DHA trong thai kì giúp giảm khả năng mắc bệnh hen suyễn của trẻ sau sinh đến 30%.
Ở thử nghiệm của mình, Gould và các đồng nghiệp nghiên cứu về tác động của việc bổ sung DHA với trí tuệ của trẻ ở độ tuổi lên 7.
Họ phân tích nhóm trẻ được sinh bởi những bà mẹ lựa chọn ngẫu nhiên, một điểm chung duy nhất là họ tình nguyện sử dụng 800mg DHA mỗi ngày trong nửa cuối của thai kì.
Kết quả phân tích không chỉ ra được điểm khác biệt nào giữa 2 nhóm trẻ về mặt nhận thức (trí tuệ), ngôn ngữ và phát triển vận động ở tháng thứ 18.
Tương tự, ở độ tuổi lên 4, không có dấu hiệu nào cho thấy lợi ích của việc bổ sung DHA lên trí tuệ, ngôn ngữ và khả năng tổ chức của trẻ, tuy vậy cũng không có tác động xấu đáng kể nào ảnh hưởng đến hành vi của chúng cả.
Hơn 540 trẻ đã tham gia vào nghiên cứu này trong suốt 7 năm.
Mặc dù IQ trung bình của nhóm trẻ được bổ sung DHA với những đứa trẻ khác là không mấy khác biệt, nhưng cha mẹ của những đứa trẻ được bổ sung DHA than phiền khá nhiều về cách cư xử cũng như khả năng tổ chức của con cái mình.
Gould cho biết, những kết quả không mong muốn có thể do tình cờ chứ không phải do việc bổ sung DHA.
“Mặc dù việc bổ sung vitamin và chất khoáng trong thai kì thường được cho là mang nhiều lợi ích cho sự phát triển về não bộ của trẻ, tuy nhiên chưa có đề tài nào chứng minh được điều này”, bà nói.
“Trước khi đưa ra bất kì kết luận nào khiến người dùng bị nhiễu loạn, chúng ta cần để ý đến những hạn chế ẩn sau nghiên cứu này”, ông Duffy Mackay - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa cho biết.
“Lấy ví dụ, chúng ta không thể ước tính được lượng dưỡng chất một phụ nữ trong thời kì mang thai hay cho con bú nạp vào cơ thể, và cả lượng dưỡng chất cho trẻ nữa”, MacKay nói.
Ông cũng chỉ ra, không có thông tin nào phân biệt việc bổ sung Omega 3 như một cách trấn an hay một cách điều trị. Hơn thế, các nhà nghiên cứu chưa bàn tới những yếu tố như thu nhập của cha mẹ và môi trường giáo dục của trẻ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến trí tuệ và khả năng học tập của con.
DS. Hoàng Ngọc Hùng